• Loading...
 
Giới thiệu bối cảnh ra đời và những điểm mới của Luật Lâm nghiệp
Ngày xuất bản: 31/10/2018 4:47:00 CH
2648: view

 1.    Bối cảnh ra đời của Luật lâm nghiệp

Sau hơn ba mươi năm đổi mới,nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế -xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển; đời sống nhân dân có nhiều thay đổi. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực được huy động; kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, phục hồi chậm; chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế còn thấp; phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường; chưa đạt được mục tiêu tạo nền tảng để trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Trong bối cảnh chung đó, ngành lâm nghiệp đang đứng trước những cơ hội lớn:

Một là, những thành tựu, kinh nghiệm của hơn 30 năm đổi mới (1986 - 2017) đã tạo ra cho đất nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước; nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng. GPD năm 2017 của Việt Nam đã tăng lên khoảng 4,5 lần, từ 49 tỷ USD năm 2004 lên 223 tỷ USD năm 2017. Trong cơ cấu của nền kinh tế, nông - lâm - thủy sản tiếp tục giảm tỷ trọng từ mức 20,4% năm 2004 xuống còn 15,34% năm 2017; ngành lâm nghiệp mức tăng trưởng cao đạt 7,09 % vào năm 2014, 7,92% năm 2015, 6,17% năm 2016 và 5,14% năm 2017.

          Hai là, nhận thức về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, trong đó thực hiện quản lý rừng theo nguyên tắc bền vững đã được nâng lên và thể hiện rõ nét trong chủ trương, chính sách lâm nghiệp; tài nguyên rừng được phục hồi và phát triển nhanh, tăng từ 12,306 triệu ha năm 2004 lên 14,377 triệu ha vào năm 2016; tương ứng độ che phủ của rừng toàn quốc tăng từ 37% lên 41,19%.

          Ba là, thương mại gỗ, đồ gỗ trong nước và trên thế giới tăng trưởng mạnh, tạo cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ của Việt Nam (số doanh nghiệp chế biến tăng nhanh: năm 2000 có 900 DN, năm 2013 có 4000 DN, vốn đầu tư đến 2012 trên 4 tỷ USD); kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản vẫn tiếp tục tăng (đạt 6,3 tỷ USD năm 2014; 7,1 tỷ USD năm 2015; 7,3 tỷ USD năm 2016 và 8 tỷ USD năm 2017); sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt trên 120 nước.

Bốn là, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp tiếp tục phát triển ngày càng sâu

rộng, đa dạng nhằm thu hút hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển rừng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

          Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp cũng đang đứng trước những thách thức hết sức to lớn:

Thứ nhất, trong xu hướng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, Việt Nam được dự báo là một trong 5 nước chịu sự ảnh hưởng nặng nề. Tác động dài hạn của biến đổi khí hậu có thể dẫn đến thay đổi sinh cảnh gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học rừng, làm gia tăng sâu bệnh, cháy rừng, mất rừng và sa mạc hóa.

Thứ hai, bất cập giữa yêu cầu phát triển ngành lâm nghiệp nhanh, toàn diện và bền vững với các nguồn lực của ngành, đặc biệt là vốn đầu tư cho ngành lâm nghiệp còn hạn chế. Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình (thấp), nên các nguồn vốn ODA cho lâm nghiệp cũng giảm, trong khi đó việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa còn hạn chế.

Thứ ba, dân số gia tăng, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp cho các mục đích khác vẫn tiếp tục tăng mạnh; tranh chấp đất đai giữa cây rừng, cây nông nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp lâu năm và có giá trị xuất khẩu cao... luôn luôn tồn tại; sự gia tăng nhu cầu gỗ là động cơ thúc đẩy các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản bất hợp pháp vẫn là mối đe dọa lớn đối với các khu rừng tự nhiên giàu và trung bình, bất lợi cho việc thiết lập lâm phận ổn định.

Thứ tư, hiện nay ngành lâm nghiệp gặp khó khăn trong xây dựng quy hoạch và tuyển chọn giống phù hợp cho trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.

Thứ năm, ngành chế biến gỗ chủ yếu hướng tới xuất khẩu trong khi phải đáp ứng yêu cầu mới của các thị trường nhập khẩu về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Đây là những thách thức lớn cho quản lý rừng sản xuất bền vững của Việt Nam.

Trong hơn 13 năm thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã xuất hiện những tồn tại, hạn chế trước thực tiễn mới, cụ thể là:

Một là, Luật BV&PTR 2004 chỉ điều chỉnh các hoạt động về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chưa quy định hay khuyến khích mối quan hệ giữa các khâu trong chuỗi giá trị lâm nghiệp gồm: quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản. Vì vậy, chưa thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù với tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng.

Hai là, các quy định của pháp luật BV&PTR chưa làm rõ cơ chế thực hiện các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đối với rừng tự nhiên; các quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi được Nhà nước giao, cho thuê rừng tự nhiên.

Ba là, hệ thống tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp, tổ chức của lực lượng Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng ở địa phương thiếu thống nhất, tính ổn định không cao, không phát huy được hiệu quả tổng hợp.

Bốn là, Luật chưa có quy định cụ thể về khoa học và công nghệ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Năm là, quy định của Luật thiếu gắn kết, đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan.

Sáu là, pháp luật BV&PTR còn những quy định chưa phù hợp hoặc thiếu cụ thể với một số công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2.    Những điểm mới của Luật lâm nghiệp

So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, Luật Lâm nghiệp đã quy định một số nội dung mới như sau:

2.1. Về kết cấu của Luật

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 gồm 8 chương với 88 điều.Luật Lâm nghiệp năm 2017 có 12 chương với 108 điều, tăng 4 chương và 20 điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.

2.2. Về những nội dung mới cơ bản của Luật

Thứ nhất, Luật Lâm nghiệp đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản (Điều 1); thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng (Khoản 1 Điều 2). Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất, liên quan đến toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc của Luật.

Thứ hai, Luật đã thể chế hóa chế định sở hữu rừng (Điều 7) theo quy định của Hiến pháp năm 2013; theo đó, quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: (i) Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư, rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật và (ii) Rừng thuộc sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gồm rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy đinh của pháp luật.

Thứ ba, quy định về chế biến và thương mại lâm sản (Chương VII) là một trong những thế mạnh của chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp. Luật tập trung quy định rõ chính sách phát triển lâm sản theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu, quản lý rừng bền vững, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới và giải pháp tăng trưởng xanh, nâng cao giá trị gia tăng; ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong chế biến lâm sản; nhà nước xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Chính sách phát triển thị trường lâm sản theo hướng tổ chức, cá nhân hợp tác, liên kết, thu mua, tiêu thụ lâm sản được cung cấp tín dụng ưu đãi; Nhà nước hỗ trợ hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, cung cấp thông tin thị trường lâm sản trong nước và quốc tế.

Thứ tư, Luật quy định quản lý rừng bền vững, đây là nguyên tắc xuyên suốt của hoạt động lâm nghiệp; rừng được quản lý rừng bền vững cả về diện tích rừng, chất lượng rừng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ rừng phải thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý rừng bền vững, bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục; tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường; chủ rừng là tổ chức phải xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; Nhà nước quy định bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững và tổ chức thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Thứ năm, Luật quy định quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác do Chính phủ phê duyệt (Điều 14). Rừng sản xuất là rừng tự nhiên được khai khác theo phương án quản lý rừng bền vững. Trong trường hợp cần thiết sẽ thực hiện tạm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trong một thời gian nhất định để bảo vệ rừng tự nhiên hiện có và có thời gian để rừng sinh trưởng, phục hồi, đảm bảo an ninh môi trường, đáp ứng nhu cầu lâu dài về lâm sản.

Thứ sáu, quy định khai thác lợi ích phi lâm sản từ rừng như dịch vụ môi trường rừng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống con người. Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được chi trả cho những người bảo vệ và phát triển rừng. Đây cũng là điểm mới tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc chuyển hướng khai thác lợi ích tiềm năng của rừng, từ sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ sang sản phẩm phi gỗ, tạo nguồn tài chính bền vững để đầu tư trực tiếp vào rừng.

          Thứ bảy, về đổi mới tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp. Luật đã quy định khung về cơ quan có chức năng tham mưu quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp và tổ chức kiểm lâm. Trên cơ sở đó Chính phủ quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan này, tạo sự linh hoạt và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động lâm nghiệp. Đối với Kiểm lâm, bổ sung quy định cụ thể hơn trong Luật một số cơ chế, chính sách, thẩm quyền để bảo đảm hành lang pháp lý cần thiết cho lực lượng Kiểm lâm tổ chức hoạt động bảo vệ rừng, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng hiệu quả hơn.

Thứ tám, đổi mới chính sách lâm nghiệp; không quy định giao rừng có thu tiền sử dụng rừng mà thay thế bằng hình thức cho thuê rừng. Nhà nước cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất; đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chỉ áp dụng hình thức cho thuê môi trường rừng và thuộc quyền của chủ rừng; Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp; Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp. Luật đã mở rộng hơn quyền hưởng lợi của chủ rừng đối với rừng tự nhiên phục hồi, rừng nghèo. Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái sinh nên việc quy định rõ các hình thức sở hữu rừng nhằm thừa nhận thành quả lao động, kết quả đầu tư của người làm nghề rừng; tạo động lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào rừng nghèo và hưởng lợi từ rừng; bảo đảm quản lý rừng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Thứ chín, Luật quy định một số điểm mới khác về định nghĩa rừng (khoản 3 Điều 2) được xác định theo 3 tiêu chí diện tích, chiều cao cây, độ tàn che của cây rừng để phù hợp với thực tiễn Việt Nam và đáp ứng yêu cầu chung của quốc tế; quy định rõ chỉ các cộng đồng dân cư có cùng phong tục, tập quán, văn hoá, tín ngưỡng và có quy ước, hương ước phù hợp với quy định của pháp luật mới được giao rừng và trở thành chủ rừng; thay thế quy hoạch BV&PTR ở 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã) bằng quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017; quy định hoạt động khoa học và công nghệ về lâm nghiệp theo hướng Nhà nước có cơ chế, chính sách nghiên cứu khoa học và công nghệ phù hợp chu kỳ sinh trưởng, phát triển của rừng và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lâm nghiệp; quy định Nhà nước ưu tiên đầu tư cho một số hoạt động, khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia, thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lâm nghiệp.

                 Sưu Tầm. Nguyễn Thị Kim Phượng – Chi cục Kiểm lâm Yên Bái

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập