• Loading...
 
Thực trạng công nghiệp chế biến lâm sản và định hướng phát triển trong tương lai.
Ngày xuất bản: 25/11/2019 2:12:00 CH
3146: view

           Với lợi thế tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, trong những năm qua ngành công nghiệp khai thác, chế biến gỗ và lâm sản trở thành lợi thế trên địa bàn tỉnh và được sự quan tâm của các cấp các ngành. Trong những năm qua, công nghiệp chế gỗ, lâm sản trên địa bàn toàn tỉnh tương đối phát triển, nhiều cơ sở chế biến gỗ được thành lập, công nghệ đã có nhiều đổi mới phần nào đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đó là một số khởi điểm mới cho ngành công nghiệp khai thác, chế biến gỗ tỉnh Yên Bái nhưng nhìn chung đa số các cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ, thiết bị thô sơ, sản phẩm sản xuất ra dạng sơ chế ván bóc, ván ép.

Tỉnh Yên Bái một vài năm trở lại đây đã có một số công ty mạnh dạn đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến gỗ với vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng như Công ty cổ phần chế biến lâm sản xuất khẩu, công ty cổ phần ván nhân tạo. Những công ty này có hệ thống dây chuyền, thiết bị tương đối đồng bộ, sản phẩm sản xuất là ván ghép thanh, đũa gỗ xuất khẩu đã xuất sang được một số nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Tuy nhiên những doanh nghiệp như thế không nhiều còn lại chủ yếu là các cơ sở chế biến nhỏ, quy mô hộ gia đình, sử dụng tư 2 – 3 lao động, sản phẩm sản xuất ra là gỗ xẻ, giá trị thấp.

Theo thống kê của Hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố thì Tỉnh Yên Bái hiện nay có khoảng 490 cơ sở chế biến gỗ, trong đó 80% là các cơ sở chế biến ở quy hộ hộ gia đình tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái.

Ngành công nghiệp chế biến giấy của tỉnh Yên Bái cũng vẫn còn nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước mà chưa vươn được tới một số thị trường khó tính. Hiện nay, trên địa bàn có 06 doanh nghiệp chế biến bột giấy, giấy đế, vàng mã, trong đó có 02 doanh nghiệp sản xuất giấy đế xuất khẩu và các loại giấy bìa khác với công suất giấy đế 33.750 tấn/năm (27 dây chuyền sản xuất); giấy vàng mã 12.000 tấn/năm. Sản lượng giấy đế, vàng mã năm 2018 đạt 43.988 tấn.

Ngoài các sản phẩm gỗ; Yên Bái còn là địa phương giàu tiềm năng thế mạnh về các loài cây lâm sản ngoài gỗ như Quế, Măng tre bát độ, các loại cây thuốc, Táo mèo, Thảo quả... Tuy nhiên Yên Bái cũng chưa phát triển được các ngành công nghiệp chế biến lâm sản ngoài gỗ cho xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình.

Quế Yên Bái chỉ đứng sau Quế Trà My về hàm lượng tinh dầu ở vỏ. Hiện nay, Yên Bái có khoảng 14 nhà máy chế biến tinh dầu quế với tổng công suất thiết kế là 955 tấn sản phẩm/năm còn lại là nhiều cơ sở chế biến tinh dầu quế nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình. Phần lớn dây chuyền thiết bị có công nghệ thấp, sản phẩm sản xuất ra ở dạng dầu thô, giá trị thấp.

Các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ cho giá trị cao khác như Thảo quả, Táo mèo, các loại dược liệu chưa được chú trọng đến khâu chế biến tạo ra các sản phẩm hàng hóa. Hiện nay, các sản phẩm này đều được buôn bán nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, sản phẩm ở dạng thu hái về phơi khô bán cho thương lái ở dạng thô nên giá trị sản phẩm không cao.

Nhìn chung, do mô hình sản xuất chủ yếu ở quy mô hộ gia đình nên sản phẩm chế lâm sản có sản lượng chế biến thấp, chủ yếu là bán sản phẩm chế biến ở dạng thô. Sản phẩm sản xuất ra chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Yên Bái. Qua những thực trạng đã nêu trên, nền công nghiệp chế biến lâm sản Yên Bái còn một số những khó khăn:

(1). Vẫn còn một số hạn chế về các chính sách liên quan đến đầu tư trong lĩnh vực chế biến lâm sản như: Chưa có các chính sách đồng bộ trong đẩu tư phát triển rừng trồng là rừng sản xuất gắn với đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ; Ngoài sản xuất ván nhân tạo thì các hoạt động chế biến lâm sản chưa được đưa vào danh mục các lĩnh vực ưu đãi đầu tư của tỉnh; chưa có các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng phục vụ các vùng nguyên liệu lâm sản tập trung. Rừng trồng tăng lớn về diện tích nhưng chất lượng rừng không đồng đều....

(2). Năng lực sản xuất của các cơ sở còn nhiều hạn chế, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành còn thiếu và yếu, thiếu lao động kỹ thuật diễn ra ở nhiều cơ sở, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, đến khả năng tiếp thu, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ.

(3). Đa số các cơ sở sản xuất có quy mô công suất nhỏ, thiết bị công nghệ còn lạc hậu, thiếu đồng bộ. Sản phẩm sản xuất ra còn ở dạng sơ chế, giá trị thấp; một số sản phẩm xuất khẩu trực tiếp như ván ghép thanh, đũa gỗ sản lượng đạt thấp.

Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngành công nghiệp chế biến lâm sản chưa được tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngành là do:  Các cơ sở hình thành mang tính tự phát, chưa có quy hoạch, kế hoạch của các cấp chính quyền. Năng lực điều hành quản lý của các cơ sở chế biến lâm sản chưa cao, không tiếp cận được với nguồn vốn đầu tư lớn. Các cơ sở chế biến thiếu thông tin, chưa chú trọng đầu tư xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ, quản lý nhân sự, maketing, mẫu mã và chất lượng sản phẩm vì thế ngành công nghiệp chế biến lâm sản tuy đã có sự phát triển cả về số lượng, quy mô nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình.

Một số các giải pháp nhằm khắc phục các khó khăn còn tồn tại trong thực trạng công nghiệp chế biến lâm sản:

(1). Để phát triển được ngành công nghiệp chế biến lâm sản trước hết phải đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu. Vì vậy công tác trồng rừng cần được quan tâm đổi mới; Yên Bái cần đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển rừng trồng theo hướng quản lý rừng bền vững để nâng cao giá trị gỗ khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

(2). Tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy và có cơ chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến lâm sản quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiêu thụ nhiều nguyên liệu, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; các doanh nghiệp phải là trung tâm liên kết chuỗi sản xuất đối với từng sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu.

(3). Xây dựng, ban hành các chính sách liên quan đến đầu tư trong lĩnh vực chế biến lâm sản. Trong đó tập trung vào chính sách hỗ trợ đầu tư và chính sách tín dụng. Tiếp tục mời gọi Doanh nghiệp vào đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến bột giấy, sản xuất gỗ ván ép, ván đúc, ván dăm ... Tùy theo công suất.

                                                Nguyễn Thị Kim Phượng

                                      Phòng quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên.

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập