• Loading...
 
Chi cục Kiểm lâm Yên Bái: Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Ngày xuất bản: 21/05/2019 3:31:00 CH
2929: view

 Trong những năn gần đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tiếp tục diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Việc chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng nghèo kiệt cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Các vụ việc chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng tiếp tục diễn ra gay gắt với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Công tác phát triển rừng, trồng rừng thay thế chậm tiến độ; xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức, ý thức và trách nhiệm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm, còn buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chưa phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương.

Trước tình hình đó, ngày 12/1/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ thị nêu rõ: “Xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Để thực hiện tốt Chỉ thị 13, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ để triển khai thực hiện. Đồng thời, Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là các văn bản tăng cường công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Trên cơ sở nội dung Kế hoạch của UBND tỉnh, các Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy ban hành các văn bản về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nội dung trọng tâm của Kế hoạch số 93 là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành có liên quan, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đảm bảo triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả trên thực tế Chỉ thị số 13-CT/TW; xác định rõ vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua, đảm bảo thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về lĩnh vực lâm nghiệp, đồng thời góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững ngành lâm nghiệp; thực hiện có hiệu quả, chất lượng các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế trên đất lâm nghiệp; tăng cường hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đến nay các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc đã xây dựng chương trình hành động, Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Tất cả các tổ chức cơ sở đảng từ thôn, xóm, bản đến đảng bộ cơ sở đều đưa nội dung của Chỉ thị 13-CT/TW vào sinh hoạt Chi bộ nhằm nêu cao vai trò, trách nhiệm của đảng viên đối với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng cũng như trách nhiệm của đảng viên trong việc tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho người thân trong gia đình.

Những kết quả cơ bản đạt được từ khi thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW đó là: Đã làm chuyển biến về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ chỗ những năm trước đây, công tác quản lý bảo vệ rừng tập trung mũi nhọn vào lực lượng kiểm lâm và chủ rừng thực hiện theo Quyết định 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng chủ yếu được phó mặc cho lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng, nhưng hiện nay, mọi vấn đề liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng đã được đồng chí Bí thư cấp ủy quan tâm chỉ đạo UBND các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội vào cuộc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để, xử lý tận gốc, tìm ra căn nguyên xảy ra hành vi vi phạm. Chỉ thị số 13-CT/TW đã tạo ra bước chuyển mới trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của chính quyền địa phương. Nhiều cơ chế chính sách được ban hành kèm theo đã tác động tích cực đến công tác bảo vệ và phát triển rừng; rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật; phát triển, khai thác sử dụng rừng trồng hiệu quả, sản xuất lâm nghiệp đang thực hiện theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh hàng năm.

Công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn được đặc biệt quan tâm; nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành do đó đã ngăn chặn cơ bản tình trạng phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; số vụ vi phạm tuy vẫn xảy ra những đã giảm đáng kể so với trước đây; chủ động thực hiện và phối hợp với các lực lượng để triển khai, ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ, lâm sản trái pháp luật… Năm 2018, toàn tỉnh đã phát hiện 180 vụ vi phạm, giảm 39 vụ so với năm 2017 (18%); xử lý 101 vụ vi phạm hành chính, 53 vụ tịch thu lâm sản, khởi tố hình sự 03 vụ; tịch thu 145,856 m3 gỗ các loại; thu nộp ngân sách trên 600 triệu đồng. Nâng cao năng lực, chất lượng thẩm định các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; không triển khai các dự án phát triển kinh tế như thuỷ điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên; thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ rừng, công tác phát triển rừng và kiểm soát quy hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội, chất lượng rừng trồng và trồng rừng thay thế luôn được quan tâm, đảm bảo tiến độ. Sau 10 năm, độ che phủ rừng tỉnh Yên Bái tăng 6,7% (năm 2008 là 56,3%, đến năm 2018 tăng lên 63%), hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII trước 1 năm.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến thôn bản, sự tham mưu kịp thời của Chi cục Kiểm lâm Yên Bái và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân trong tỉnh, chắc chắn trong thời gian tới, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở Yên Bái sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2015-2020.

                          Nguyễn Thị Minh  - Chi cuc Kiem Lam Yen Bai

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập