• Loading...
 
Phát triển rừng bền vững xây dựng chuỗi liên kết tạo thu nhập ổn định cho các hộ lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 05/11/2020 12:00:00 SA
3357: view

          Hiện nay, Nhà nước đã và đang triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đây là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, Chương trình được ban hành nhằm mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 hướng tới cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; một trong những giải pháp quan trọng đó là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, đặt người nông dân  vào vai trò chủ thể và vị trí trung tâm để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, đặc biệt khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa người nông dân và doanh nghiệp với quy mô phù hợp, hình thành chuỗi giá trị, tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ.

Là một thành phần cấu thành của ngành Nông nghiệp, lĩnh vực Lâm nghiệp được xếp vào vị trí quan trọng nhất góp phần phát triển kinh tế ở các vùng núi, đặc biệt là ở những nơi có tỉ lệ đói nghèo cao. Hiện nay, đời sống người dân sản xuất lâm nghiệp của nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn, với điều kiện kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu. Kinh tế hộ trong lâm nghiệp đang bộc lộ nhiều hạn chế như manh mún, nhỏ lẻ, trong khi liên kết sản xuất chưa thực sự phát triển, các công ty lâm nghiệp chưa giữ được vai trò nòng cốt, các cơ chế chính sách về phát triển kinh tế rừng còn thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, việc quy hoạch rừng của nhiều địa phương thiếu tính ổn định, luôn tồn tại nguy cơ bị phá vỡ, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp cho những mục đích khác đang chịu sức ép lớn. Trước thực trạng ngành lâm nghiệp và chế biến, xuất khẩu gỗ của nước ta hiện nay, việc xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm sản đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo số liệu công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019, tỉnh Yên Bái hiện có 462.291,4 ha rừng các loại, chiếm trên 67% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; trong đó có 245.583,8 ha rừng tự nhiên và 216.707,6 ha rừng trồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%. Với lợi thế tiềm năng về đất đai, rừng, nguồn nhân lực, thời gian qua, ngành nông nghiệp Yên Bái đã đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Diện tích rừng sản xuất tăng nhanh nhờ thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, các dự án trồng rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế trồng và phát triển vốn rừng. Mỗi năm toàn tỉnh Yên Bái tiến hành trồng bình quân trên 15.000 ha rừng các loại, khối lượng gỗ khai thác hàng năm đạt trên 450.000 m3, tốc độ tăng tổng sản phẩm lĩnh vực lâm nghiệp bình quân hàng năm đạt trên 6,5%. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh lâm nghiệp của tỉnh, một trong những phương án là đưa người nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC. Trồng rừng bền vững có chứng chỉ FSC chính là một biện pháp để gia tăng giá trị cho sản phẩm gỗ, vì FSC là chứng nhận nguồn gốc gỗ hợp pháp, tuân thủ các quy định về môi trường, xã hội do Hội đồng quản lý rừng Thế giới cấp và được các nước trên thế giới chấp nhận. Chính vì vậy, tỉnh Yên Bái rất ủng hộ và khuyến khích phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị sản xuất có chứng chỉ FSC và một trong các danh mục chương trình, đề án, dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh rất quan tâm là phát triển rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC.

Chuyển đổi từ quản lý rừng truyền thống sang quản lý rừng bền vững theo các tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản trị rừng thế giới là việc còn khá mới mẻ. Song, từ năm 2016 đến nay, cùng với sự chỉ đạo của tỉnh Yên Bái, việc phát triển rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC đang được quan tâm và nhận được sự hưởng ứng tham gia của người dân trên địa bàn một số huyện như Yên Bình, Trấn Yên. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 4.038 ha rừng trồng của huyện Yên Bình được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Trong năm 2020, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho khoảng 8.000 ha rừng trồng tại các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên. Trong đó: huyện Trấn Yên dự kiến khoảng 2.000 ha rừng trồng do Hợp tác xã An Việt Phát liên kết với các hộ dân thực hiện; huyện Yên Bình và Lục Yên dự kiến mỗi huyện khoảng 3.000 ha rừng trồng do Công ty TNHH Công nghiệp Hòa Phát liên kết với các hộ dân thực hiện. Trong giai đoạn tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ nhân rộng mô hình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC ra các huyện khác trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm tạo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, có chất lượng phục vụ chế biến, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 90.000 ha rừng các loại được cấp chứng chỉ rừng.

Song song với đó, tỉnh Yên Bái cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện công tác liên kết, phối hợp xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất nông, lâm nghiệp, giúp hình thành các mô hình liên kết về sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ rừng. Thông qua Chương trình FFF, trong giai đoạn 2015-2017, tỉnh Yên Bái đã thành lập mới 2 Hợp tác xã là: HTX Quế Hồi Việt Nam (liên kết với 22 tổ hợp tác vệ tinh xây dựng vùng sản xuất quế hữu cơ tại huyện Trấn Yên), HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh (phối hợp với 31 nhóm hộ trồng rừng tại Yên Bình xây dựng xưởng xẻ COC tiêu thụ các sản phẩm rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC); thành lập 22 Tổ hợp tác, 31 nhóm hộ trồng rừng với tổng thành viên trên 1.000 người. Qua đó, mối liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp ngày một chặt chẽ, sản phẩm sản xuất có đầu ra với giá thành ổn định.

Có thể nói, kinh tế lâm nghiệp Yên Bái đang ngày một phát triển theo hướng bền vững, tiếp cận theo định hướng giá trị và sản phẩm, là tác nhân quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành gỗ và lâm sản ngoài gỗ, tạo động lực để người dân phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Nhằm khuyến khích phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, hướng tới một ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, mang lại giá trị cao, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, Tiếp tục phát triển rừng trồng theo hướng quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng trên toàn tỉnh để nâng cao chất lượng cũng như giá trị gỗ khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng phải đưa vào chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị hàng năm và cả giai đoạn của từng địa phương.

Thứ hai, mở rộng thị trường tiêu thụ lâm sản trong nước; tiếp cận thị trường một số nước Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc... để quảng bá và xuất khẩu các sản phẩm lâm nghiệp của địa phương.

Thứ ba, tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy và có cơ chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến lâm sản quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiêu thụ nhiều nguyên liệu, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; các doanh nghiệp phải là trung tâm liên kết chuỗi sản xuất đối với từng sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu.

Thứ tư, cần xây dựng những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chủ rừng đăng ký xây dựng, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng từ 100 ha trở lên (mức hỗ trợ theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Trong xây dựng chính sách nên có sự chỉ đạo lồng ghép chương trình trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ lớn với chương trình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng để hỗ trợ và kích cầu người trồng rừng tham gia chương trình quản lý rừng bền vững.

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập