• Loading...
 
Yên Bái: Tăng cường công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh
Ngày xuất bản: 06/10/2017 2:55:00 CH
2255: view

Yên Bái có diện tích rừng lớn trên 500.000 ha giáp với huyện Bắc Yên, Phù  Yên (Sơn La), huyện Văn Bàn (Lào Cai), huyện Than Uyên (Lai Châu), huyện Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Sơn (Phú Thọ), huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), huyện Bắc Giang (Hà Giang). Những vùng có rừng giáp ranh giữa 7 tỉnh phần lớn nằm ở địa hình núi hiểm trở, tài nguyên rừng còn nhiều. Có nhiều diện tích rừng nằm trong diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng, độ đa dạng sinh học cao, có nhiều động, thực vật quý hiếm được xếp vào danh sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Chưa kể giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là nơi sinh sống phân tán của đồng bào các dân tộc thiểu số như dân tộc Mông, Dao, Thái và Sán rìu. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy do vậy công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng còn gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao hoạt động quản lý bảo vệ rừng giáp ranh đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm tại các khu vực này.

Những năm trước đây, vùng cộng đồng dân cư có đông đồng bào thiểu số sinh sống ở miền núi còn lưu giữ nếp sống du canh, du cư, cộng với cuộc sống khó khăn nên việc xâm canh đốt rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép... dễ xảy ra nếu không quản lý tốt. Để hạn chế tình trạng này, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã chủ động tham mưu, phối hợp xây dựng và ký kết quy chế phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh nhằm bảo vệ vốn rừng hiện có, hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại rừng.

Trên cơ sở quy chế phối hợp của tỉnh, các Hạt Kiểm lâm tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động và ký kết quy chế phối hợp để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng vùng giáp ranh. Theo đó, các Hạt Kiểm lâm có rừng giáp ranh đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện tham mưu với cấp ủy, chính quyền xây dựng quy ước phối hợp quản lý vùng giáp ranh với các địa phương tỉnh bạn, các đơn vị lâm nghiệp trên các lĩnh vực: quản lý địa giới hành chính, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng khối đại đoàn kết, tương trợ nhau. Trong đó quy định rõ các bên tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân vùng giáp ranh có ý thức tôn trọng địa giới vùng giáp ranh được Chính phủ quy định theo Chỉ thị 364/CP năm 1991; thường xuyên phối hợp kiểm tra, phát hiện ngăn chặn kịp thời hiện tượng xâm canh, xâm cư, có biện pháp giải quyết, xử lý đúng quy định pháp luật các trường hợp vi phạm. Đặc biệt với công tác bảo vệ rừng ngoài tôn trọng địa giới hành chính còn phải tuyên truyền để người dân sống ở vùng giáp ranh có ý thức quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Chính quyền các xã và Kiểm lâm các huyện cùng nhau lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ về tăng cường biện pháp cấp bách bảo vệ rừng, xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn, truy quét các tổ chức, cá nhân có hành vi phá hoại rừng, khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép; kịp thời nắm bắt tình hình thông báo kịp thời cho nhau các diễn biến liên quan để có biện pháp giải quyết...

Trên cơ sở quy chế phối hợp, Hạt KIểm lâm các huyện đã chỉ đạo các Trạm Kiểm lâm phối hợp với các xã giáp ranh đẩy mạnh thực hiện tốt các Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/5/2003 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng, số 08/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/3/2006 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc cơ sở thực hiện nghiêm phương án bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; quy ước bảo vệ rừng. Lực lượng Kiểm lâm giữ vai trò chủ đạo, triển khai, thực hiện các quy chế phối hợp. Đặc biệt phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ giữa Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu với Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Yên, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Yên, Ban Quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa thuộc tỉnh Sơn La; giữa Hạt Kiểm huyện Mù Cang Chải với Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai, Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu, Hạt Kiểm lâm huyện Mường La tỉnh Sơn La. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về quản lý bảo vệ rừng để tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện ngăn chặn hành vi vi phạm. Trong đó đặc biệt quan tâm tập trung ở những địa bàn một số vùng giáp ranh địa dư rộng, có nhiều dân tộc sinh sống hay xảy ra vi phạm lâm luật. Do chủ động tuần tra, phối hợp nên hàng năm đã kịp thời phát hiện nhiều hộ xâm canh phát rừng làm nương rẫy, tuyên truyền, ngăn chặn không cho tái diễn. Lực lượng Kiểm lâm không chỉ phát hiện ngăn chặn có hiệu quả nhiều vụ khai thác, buôn bán trái phép, mà còn kịp thời có biện pháp xử lý một số đối tượng lợi dụng khai thác lâm sản trái phép ở vùng giáp ranh. Riêng năm 2016, lực lượng Kiểm lâm Yên Bái phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh đã phát hiện, xử lý xử phạt vi phạm hành chính 264 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tịch thu 113,932 m3 gỗ xẻ, 105,945 m3 gỗ tròn, tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng . Do làm tốt công tác phối hợp quản lý vùng giáp ranh nên mấy năm gần đây trên địa bàn các khu vực giáp ranh không còn điểm nóng về phá rừng, tàng trữ lâm sản trái phép, các vụ việc nhỏ lẻ đều đã được các bên phối hợp và xử lý kịp thời.

Thực tế cho thấy, quy chế phối hợp tạo thuận lợi rất lớn để lực lượng Kiểm lâm phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ rừng, tham mưu với cấp ủy, chính quyền, nhất là phối hợp với cơ sở, vùng giáp ranh để ngăn chặn, xử lý vi phạm kịp thời, hiệu quả. Nhờ thực hiện tốt quy chế phối hợp mà số vụ phát rừng làm nương rẫy, khai thác, mua bán lâm sản trái phép, nhất là cháy rừng đã giảm hẳn. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng bền vững.

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập