• Loading...
 
Bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học gắn với tuyên truyền vận động nhân dân thu nộp súng săn, súng tự chế, cạm bẫy
Ngày xuất bản: 04/07/2016 3:43:41 SA
4716: view

Từ ngàn xưa rừng do tự nhiên để lại. Rừng là một quần thể sinh học đa dạng, phong phú, là nguồn tài nguyên của đất nước, có khả năng tái tạo, là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị lớn đối với kinh tế quốc dân, gắn liền với đời sống của nhân dân và sự sống còn của dân tộc. Với diện tích đất có rừng là 428.266,8ha độ che phủ 62,2%, Rừng Yên Bái được tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), Quỹ bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VCF) đánh giá có độ đa dạng sinh học, phong phú, đa dạng về chủng loại bao gồm rừng nguyên sinh, rừng thường xanh, rừng rụng lá mùa thu, rừng hỗn giao. Mặt khác rừng Yên Bái có hệ động thực vật đa dạng: hệ thực vật rừng Yên Bái có khoảng 1.035 loài thực vật bậc cao trong đó có loài quý hiếm như: Lan Kim Tuyến…; Về động vật rừng có khoảng 72 loài thú, 240 loài Chim, 48 loài bò sát…trong đó có loài có giá trị đặc biệt là loài Vượn đen tuyền được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Các loài này tập trung chủ yếu ở các Khu rừng tự nhiên tại các huyện còn nhiều tài nguyên rừng đặc biệt là tại Khu bảo tồn loài sinh cảnh Mù Cang Chải - huyện Mù Cang Chải và Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu - huyện Văn Yên.

          Tuy nhiên, nguồn lợi đó lại là ”thuốc kích thích” đối với những tay thợ săn chuyên nghiệp thậm chí cả người dân sống gắn bó nhiều năm với rừng. Họ sử dụng những khẩu súng hiện đại có độ chính xác cao, sát thương lớn đến cả những khẩu súng tự chế thô sơ, săn bắn, tàn sát thú rừng, chim rừng, đào bới khai thác cây rừng làm cây cảnh, bóc dỡ lan rừng, cây dược liệu làm thuốc …. làm suy kiệt tài nguyên rừng, mất cân bằng hệ sinh thái động thực vật rừng. Không thể coi một khu rừng đa dạng sinh học cao khi trên đó chỉ có hệ thực vật hoặc ngược lại. Sự đa dạng sinh học phải bao gồm cả hệ động vật, thực vật và vi sinh vật có tác động qua lại, cái nọ tác động hỗ trợ cái kia tồn tại và phát triển. Rừng Yên Bái đang đáp ứng được yêu cầu đó và nó cần được bảo vệ, xây dựng, phát triển.

          Bảo tồn đa dạng sinh học chỉ là một nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn QLBVR, PCCCR. Tại hội nghị này Chi cục Kiểm lâm chỉ xin được đề cập đến việc tuyên truyền vận động nhân dân thu nộp súng sắn, súng tự chế, cạm bẫy gắn với phong trào BVANTQ. Bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học ở Yên Bái.

           Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, những khẩu súng kíp, súng tự chế đã góp phần tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ bản làng, bảo vệ tổ quốc. Giặc tan, những khẩu súng kíp, súng tự chế lại giúp đồng bào săn bắt chim thú rừng phục vụ cuộc sống thường ngày, giúp đồng bào bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình trước sự tấn công của thú dữ. Có thể nói rằng việc sử dụng súng kíp, súng tự chế là tập quán truyền thống từ lâu đời và tồn tại đến nay của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Súng kíp, súng tự chế là “người bạn” đồng hành của những người đàn ông dân tộc vùng cao cả khi họ đi rừng, cả khi họ xuống chợ.

          Ngày nay, đất nước đã giải phóng, kinh tế phát triển cùng với đời sống nhân dân ngày càng no ấm, nhiều chính sách hỗ trợ đối với vùng sâu, vùng xa đã góp phần giảm áp lực đối với rừng. Đồng thời nhiều văn bản pháp luật quy định chặt chẽ việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ đã góp phần hạn chế việc săn bắn chim, thú rừng. Đó là việc làm có ích trước mắt, có lợi lâu dài.

 

          Kiểm lâm là lực lượng chuyên trách của nhà nước có chức năng bảo vệ rừng. Chức năng đó được cụ thể hoá thành nhiệm vụ về quản lý rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Với sự phát triển mọi mặt của thế giới, sự văn minh của nhân loại thì bảo vệ sự đa dạng sinh học của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái đang được quan tâm của toàn cầu. Muốn phát triển rừng, trước hết chúng ta hãy bảo vệ những gì rừng đang có. Với phương châm đó chuyên ngành bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục Kiểm lâm, các hạt kiểm lâm đã phối hợp với cơ quan Công an- Quân sự huyện cùng chính quyền các xã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng- bảo vệ các loài động vật rừng bằng các hoạt động thiết thực như không sử dụng súng săn để săn bắn thú rừng và hãy giao nộp súng kíp súng tự chế cho cơ quan chức năng là hành động góp phần bảo đảm cho sự bình an của làng bản và môi trường sống của con người. Với biện pháp phối hợp đó, công tác tuyên truyền đã triển khai rộng khắp ở các huyện, thị, thành phố thông qua việc tổ chức các hội nghị các Chủ tịch xã, các lớp tập huấn tại thôn bản, các buổi ngoại khoá tại trường học. Qua đó có tác dụng nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, tự giác giao nộp thu giữ được nhiều loài súng săn, súng tự chế. Huyện Văn Yên có năm thu được 156 súng săn, cạm bẫy,giao cho trung tâm cứu hộ Tam đảo 1cá thể gấu; Trạm tấu 269 súng săn các loại, Khu bảo tồn Mù Cang Chải 8 súng săn tự chế. Kiểm lâm thành phố Yên Bái thu giữ cứu hộ 2 cá thể khỉ mặt đỏ giao cho Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Vườn quốc gia Hoàng Liên. Tại khu bảo tồn thiên nhiên Chế tạo-huyện Mù Cang chải thu hồi 8 khẩu súng kíp, súng tự chế.v.v..

http://kiemlamyenbai.gov.vn/images/stories/videos/3_ba3288-470.jpg

Công an xã vận động người dân tự giác giao nộp súng tự chế.

            Từ những kết quả trên cho thấy súng kíp, súng tự chế rất cần được tuyên truyền, thu hồi, quản lý và đó là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị cơ sở trong đó các cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp chủ động tham mưu mà nòng cốt là lực lượng Công an. Công tác tuyên truyền để người dân không sử dụng súng kíp, súng tự chế để săn bắn chim thú rừng và tự nguyện giao nộp súng săn, súng tự chế góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của rừng Yên Bái.

          Qua thực tiễn trong công tác QLBVR. Chi cục kiểm lâm xin được đến xuất 1 số biện pháp cụ thể là:

1. Bất kể một chủ trương, chính sách dù lớn hay nhỏ, dù liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân hay chỉ mang tính phong trào thì công tác tuyên truyền phải làm đầu tiên. Khi và chỉ khi người dân nhận thức rõ với sự đồng thuận cao thì chủ trương, chính sách đó mới đi vào cuộc sống. Việc tuyên truyền không sử dụng súng kíp, súng tự chế để săn bắn chim thú rừng và tự nguyện giao nộp súng săn, súng tự chế đối với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa đồng nghĩa với việc vận động họ từ bỏ một thói quen truyền thống đã có trong con người, cộng đồng họ không phải một sớm, một chiều.

          Những năm qua tuy súng săn, súng tự chế thu được không nhiều nhưng nhận thức, ý thức của người dân được nâng cao, người dân không còn mang theo "Bạn đồng hành" khi xuống chợ, thú rừng không còn được giao bán như con lợn,con gà. Với đặc thù vùng cao, công tác tuyên truyền cần được tổ chức lồng ghép với các chủ trương, chính sách, các chương trình dự án về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Việc sử dụng súng kíp súng tự chế là tập quá lâu đời thì đối tượng tập trung tuyên truyền vận động là các già làng trưởng bản, người có uy tín vì họ có sức lan toả rộng.

          2.  Đồng hành với công tác tuyên truyền là việc ban hành thực thi các văn bản pháp luật về quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ. Mọi hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ trái pháp luật phải bị xử lý. Tuy nhiên, súng kíp, súng tự chế do đầu tư ít, dễ chế tạo nên thường chỉ xử lý được khi khẩu súng hình thành mà chưa xử lý được người bán các bộ phận nòng súng, cò súng ở chợ huyện. Nói chung pháp luật càng cao, chế tài xử lý càng mạnh (cơ quan ban hành, mức độ xử phạt) thì càng có tính răn đe mạnh. Cùng với đó cần đầu tư kinh phí cho hoạt động này. Cần có cuộc tổng kiểm tra, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ theo định kỳ 3 đến 5 năm/ lần như kế hoạch số 98/KH- UBND ngày 12/9/2012 của UBND tỉnh đã chỉ đạo. Đầu tư cho việc thu hồi súng kíp, súng tự chế là" chi một đồng để thu được cái vô giá".

          3. Hệ thống chính trị ở cơ sở nhất là người trực tiếp tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phát hiện và thu hồi súng kíp, súng tự chế. Súng kíp, súng tự chế không chỉ là nguy cơ săn bắn giết hại thú rừng mà nó còn tiềm ẩn nhân tố mất an ninh chính trị tại địa phương. Mà cũng chính từ cơ sở mới tự mình xây dựng được mô hình phù hợp cho mình, ví dụ như phong trào "Thôn bản không tiếng súng ở khu bảo tồn loài, sinh cảnh Chế Tạo - huyện Mù Cang Chải ".

          4. Các ngành chức năng cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, phối hợp với nhau và phối hợp với chính quyền cấp huyện trong tuyên truyền, điều tra, phát hiện, xử lý vi phạm. Thực tế đã chứng minh hiệu quả của sự phối hợp này là việc Công an, quân đội, chính quyền cơ sở vận động thu hồi một lượng súng kíp, súng tự chế tại các huyện Mù Cang Chải, Lục Yên, Văn Yên, Trạm Tấu vào những năm 2003 đến nay. Việc thu hồi sung kíp, súng tự chế không thể làm xong, làm triểt để ngay mà phải làm quyết liệt nhưng không nóng vội, thận trọng nhưng không trì trệ.

           Hiện nay, lượng súng kíp, súng tự chế tuy chưa có số liệu thống kê nhưng chắc chắn còn trong dân vì vậy rất cần được vận động, điều tra, phát hiện và thu nộp để góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở trong mỗi thôn bản, đảm bảo sự đa dạng sinh học của những cánh rừng, trong đó Công an là lực lượng nòng cốt gắn việc điều tra, vận động, thu hồi vũ khí với việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm, Kiểm lâm là lực lượng nòng cốt gắn việc tuyên truyền không sử dụng súng kíp, súng tự chế với việc bảo tồn đa dạng sinh học trong bản Quy ước bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư thôn bản.v.v... Muốn vậy, cần nhiều phong trào "Thôn bản không có tiếng súng".

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập