• Loading...
 
Cần phải đẩy mạnh xã hội hoá công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Yên Bái
Ngày xuất bản: 06/10/2017 2:44:00 CH
5001: view

Công tác quản lý, bảo vệ rừng chỉ có thể thành công khi nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở, sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, các cấp và quan trọng nhất là sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội .

Kiểm lâm Yên Bái với vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng đã khắc phục khó khăn về con người, phương tiện; tích cực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền tăng cường kiểm tra, kiểm soát tài nguyên rừng tại gốc; phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức truy quét lâm tặc. Tuy nhiên, việc ngăn chặn nạn khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn chưa được giải quyết tận gốc, ở một số địa phương việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chủ rừng và chính quyền còn hạn chế, tình trạng thờ ơ, chưa làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình, coi việc bảo vệ rừng, giữ rừng là việc riêng của lực lượng kiểm lâm, trong khi chức năng chính của lực lượng kiểm lâm là tham mưu cho chính quyền trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, thực thi pháp luật về bảo vệ tài nguyên rừng. 

Kiểm lâm Yên Bái hiện có 309 cán bộ chiến sỹ, trong đó có 172 kiểm lâm địa bàn. So với yêu cầu và quy định của Nhà nước, ngành còn thiếu gần 100 biên chế. Nhiều xã có diện tích rừng lớn, như xã Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên) chỉ có 1 kiểm lâm địa bàn, trong khi theo quy định là 10 cán bộ. Rõ ràng, với lực lượng mỏng và thiếu như hiện nay, Kiểm lâm Yên Bái không thế bố trí sắp xếp đủ cán bộ rải khắp địa bàn, các cán bộ này có “ba đầu, sáu tay” cũng không thể nắm hết tình hình và ngăn chặn được nạn xâm phạm tài nguyên rừng. Rừng là tài sản quốc gia, tài sản này được giao cho một đơn vị quản lý, đó là chủ rừng (lâm trường, ban quản lý rừng…). Hiện nay, các chủ rừng đều đã ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với người dân và tổ chức thành các tổ tuần tra bảo vệ rừng tại địa bàn. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ tuần tra bảo vệ rừng chưa thực sự đem lại kết quả như mong đợi, nhiều khu vực rừng vẫn bị tàn phá. Trên cơ sở Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 07/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rất rõ, rừng trên địa bàn, trách nhiệm quản lý là của UBND từng cấp, người chịu trách nhiệm hàng đầu là Chủ tịch UBND các cấp. Quy định như vậy, bên cạnh những địa phương làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng vẫn còn những nơi chính quyền buông lỏng, thờ ơ, thậm chí đứng ngoài cuộc. Vì vậy, để bảo vệ tài nguyên rừng một cách hiệu quả, trước hết, các cấp, các ngành, mà cụ thể là cấp ủy, chính quyền - chủ rừng - kiểm lâm phải có sự phối hợp đồng bộ, làm hết trách nhiệm của mình, không thể để lực lượng kiểm lâm: “đơn phương” trong cuộc chiến giữ rừng.

Để bảo vệ rừng hiệu quả không thể không nói đến một nhiệm vụ trọng tâm đó là phòng chống cháy rừng. Là một tỉnh có diện tích đất rừng rộng lớn, phong phú về chủng loại và trữ lượng gỗ cao. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích rừng thuộc các huyện thị phía Tây (Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải) thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió Lào từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau; mùa đông thì sương muối, khí hậu khô hanh kéo dài; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, tình trạng phát nương làm rẫy, xâm lấn đất rừng để sản xuất lương thực vẫn còn xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng. Do vậy công tác phòng chống cháy rừng luôn được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy vẫn xảy ra. Nguyên nhân chính vẫn là ý thức của một số người dân và tình trạng đốt nương làm rẫy. Mặc dù nguyên nhân gây ra cháy rừng là do một số người dân thiếu ý thức, tình trạng phát nương làm rẫy gây ra. Song, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận để xảy ra cháy rừng trách nhiệm đầu tiên là thuộc về ngành kiểm lâm, nghiệp vụ kiểm lâm địa bàn còn hạn chế, không biết tiếng địa phương, không nắm bắt được phong tục tập quán dẫn đến công tác tuyên truyền, phổ biến tới dân không sâu sắc. Tờ rơi về PCCCR còn rườm rà, khó hiểu, trong khi người dân vùng cao không phải ai cũng biết đọc.

Một vấn đề đã tồn tại từ bao nhiêu năm qua là, những hộ dân đốt nương làm rẫy gây cháy rừng chưa lần nào bị xử lý hình sự mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính. Lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương có lập biên bản xử phạt hành chính nhưng người dân vùng cao còn rất khó khăn lấy gì mà nộp phạt? Khi không có tiền nộp phạt, yêu cầu họ trồng lại diện tích rừng đã cháy là một giải pháp kiên quyết nhưng cũng không dễ thực hiện. Từ đó dẫn đến hiệu quả của việc xử lý, răn đe không cao nên người dân vẫn tiếp tục vi phạm. Một tình trạng nữa là việc giao rừng cho dân quản lý, song đơn vị chủ quản lại không giao tiền trực tiếp cho dân mà thông qua xã, số ít lại nợ dân hoặc trả thiếu tiền gây bất bình trong nhân dân. Hàng trăm ha rừng đã bị thiêu rụi, thiệt hại rất lớn không thể tính được bằng tiền. Thiết nghĩ, các ngành chức năng, mỗi địa phương và mỗi cán bộ đảng viên, người dân phải có cái nhìn thấu đáo để rút ra những bài học kinh nghiệm. Nếu chúng ta cứ làm như hiện nay, người dân vẫn thiếu ý thức trong công tác phòng chống cháy rừng thì lửa rừng vẫn mãi cháy theo năm tháng.

Để công tác bảo vệ rừng đặc biệt là phòng chống cháy rừng hiệu quả chúng ta cần phải thực hiện xã hội hoá công tác này. Tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân cùng vào cuộc làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, lấy phòng là chính, bởi thực tế khi rừng đã cháy thì rất khó khống chế được lửa. Rừng gắn liền với cuộc sống con người, không chỉ nuôi sống chúng ta về kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, giữ nước, tránh lũ quét, trôi rửa đất... Vì vậy, đã đến lúc các cấp, ngành và mọi người dân phải có những biện pháp ứng xử thật nghiêm túc, tích cực và trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập