• Loading...
 
MỘT SỐ KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÂM NGHIỆP
Ngày xuất bản: 05/04/2018 3:41:00 CH
5226: view

           Thực hiện Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp"; Quyết định số 992/QĐ-UBND ngày 10/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể:

1. Đã rà soát, xác định rõ được cơ cấu các loại rừng để tiến hành quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy định hiện hành. Tính đến hết năm 2017, tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh là 432.381,19 ha (chưa tính 30.145,97 ha rừng trồng chưa thành rừng, đang trong giai đoạn chăm sóc). Gồm:

- Rừng phòng hộ: 134.327,09 ha (gồm rừng tự nhiên 110.073,94 ha; rừng trồng 24.052,52 ha; rừng trồng cây cao su, cây đặc sản 200,63 ha)

- Rừng đặc dụng: 35.469,61 ha (gồm rừng tự nhiên 32.680,97 ha; rừng trồng 2.788,64 ha)

- Rừng sản xuất: 221.760,02 ha (gồm rừng tự nhiên 91.781,02 ha; rừng trồng 129.147,79 ha; rừng trồng cây cao su, cây đặc sản 831,21 ha)

- Rừng ngoài đất quy hoạch cho lâm nghiệp: 40.824,53 ha (gồm rừng tự nhiên 11.145,68 ha; rừng trồng 27.805,27 ha; rừng trồng cây cao su, cây đặc sản 1.873,58 ha)

Tỷ lệ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh năm 2017 đạt 62,8%.

2. Trên cơ sở, tiềm năng thế mạnh về phát triển lâm nghiệp tại địa phương đã xác định được một số loài cây trồng, từ đó xây dựng các đề án chi tiết thực hiện, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lâm nghiệp tập trung. Cụ thể: Vùng quế: Tổng diện tích hiện có 68.929,5 ha (Trong đó: dự kiến tiếp tục duy trì diện tích quế đã có là 56.500 ha; trồng mới năm 2016-2017 là 12.429,5 ha). Vùng măng tre Bát độ: Tổng diện tích hiện có 3.651,5 ha (Trong đó: duy trì diện tích tre Bát độ đã có là 2.500 ha; trồng mới năm 2016-2017 là 1.151,5 ha). Vùng trồng cây Sơn tra: Tổng diện tích hiện có 7.641,9 ha (Trong đó: duy trì diện tích Sơn tra đã có là 3.820 ha; trồng mới năm 2016-2017 là 3.821,9 ha).

 3. Đã tập trung đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng rừng. Cụ thể: xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gỗ lớn (Keo tai tượng) 11.865 ha (chưa kể hàng triệu cây gỗ lớn trồng phân tán hàng năm), tăng trưởng bình quân từ 4 - 5 m3/ha; Rừng trồng: Nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng, ổn định diện tích rừng trồng sản xuất hiện có, trong đó mỗi năm khai thác và trồng lại 12.000 - 14.000 ha, trữ lượng gỗ lớn 120 - 150 m3/ha và gỗ nhỏ 70 - 80 m3/ha. Thực hiện đầu tư phát triển rừng trồng sản xuất theo hướng quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng (FSC) để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ xẻ xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.737,5 ha rừng của nhóm hộ nông dân (494 hộ) huyện Yên Bình được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (cấp ngày 3/11/2016).

4. Đẩy mạnh, tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng. Hàng năm đảm bảo gieo ươm bình quân trên 90 triệu cây giống các loại phục vụ cho trồng rừng. Đưa diện tích trồng rừng bằng nguồn giống được kiểm soát chất lượng lên 11.000 ha tương đương 73% vào năm 2017; đảm bảo cung cấp đủ giống có chất lượng cho kế hoạch trồng rừng hàng năm và trồng cây phân tán. Đã hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia dưới sự quản lý giám sát chặt chẽ về chất lượng giống của các cơ quan quản lý nhà nước. Tính đến năm 2017 có 53 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đủ điều kiện, đang hoạt động (gồm 12 tổ chức, 41 hộ gia đình); qua kiểm tra đánh giá có 27 cơ sở loại A, 26 cơ sở loại B.

5. Trên cơ sở tổng điều tra kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh, điều chỉnh Đề án và tiếp tục thực hiện Đề án giao rừng cho thuê rừng gắn với giao đất cho thuê đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là diện tích rừng phòng hộ nhỏ lẻ, phân tán (dưới 500 ha) để cộng đồng dân cư, hộ gia đình tại chỗ và các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của rừng và làm giảm gánh nặng cho ngân sách.

6. Đối với lĩnh vực chế biến: Bình quân/năm toàn tỉnh khai thác và tiêu thụ được 450.000 m3 gỗ rừng trồng các loại, đạt 100 % kế hoạch năm; Khai thác và tiêu thụ 100.000 tấn tre, nứa, vầu phục vụ chế biến trong và ngoài tỉnh, đạt 100% kế hoạch năm. Ngoài ra tiến hành khai thác, tiêu thụ sản lượng lớn vỏ quế, tinh dầu quế, nhựa thông, măng tươi và các lâm sản các loại khác; riêng năm 2017 đã khai thác, tiêu thụ được 44.021,2 tấn măng các loại; 11.045 tấn vỏ quế và 329,2 tấn tinh dầu quế; 6.030,0 tấn lâm sản phụ khác. Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 600 cơ sở chế biến gỗ và 6 cơ sở chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn với tổng công suất 700 tấn/năm. Các cơ sở chế biến đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp dây truyền, trang thiết bị hiện đại, chế biến có chiều sâu theo hướng công nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, cùng với với việc tìm kiếm mở rộng thị trường, đặc biệt là xuất khẩu.

Qua 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ; tăng giá trị kinh tế ngành, tăng năng lực, hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, trên cơ sở phát huy lợi thế về sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; đã chuyển dịch được cơ cấu giống cây trồng, từ những cây có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng những cây đa tác dụng có hiệu quả kinh tế cao hơn như: quế, sơn tra, tre măng Bát độ...; đã hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia, chất lượng cây giống ngày càng được được nâng cao...

                Phạm Thị Tuyết Phương  -  Phòng Sử dụng và Phát triển rừng

 

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập