• Loading...
 
Để bảo vệ rừng, pháp luật có những quy định thế nào?Gây cháy rừng bị xử phạt ra sao? Các biện pháp khắc phục hậu quả có thể bị áp dụng nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp
Ngày xuất bản: 09/05/2022 12:00:00 SA
1965: view

           Để bảo vệ rừng, pháp luật có những quy định thế nào?Gây cháy rừng bị xử phạt ra sao? Các biện pháp khắc phục hậu quả có thể bị áp dụng nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp

 

            Gây cháy rừng bị xử phạt ra sao?

          Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng gây cháy rừng, bị xử phạt theo quy định tại Điều 17, Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra sẽ bị áp dụng mức xử phạt tương ứng. Mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng, mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Bên cạnh đó còn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng.

 

            Để bảo vệ rừng, pháp luật có những quy định thế nào?

          Rừng có tầm quan trọng rất đặc biệt nên Luật Lâm nghiệp (có hiệu lực thi hành từ 01.01.2019) đã dành riêng một Chương (Chương IV) và nhiều văn bản dưới luật quy định việc bảo vệ rừng. Những quy định bảo vệ rừng trong Luật Lâm nghiệp gồm: Bảo vệ hệ sinh thái rừng (Điều 37); bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng (Điều 38); phòng cháy và chữa cháy rừng (Điều 39); phòng, trừ sinh vật gây hại rừng (Điều 40); lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng (Điều 41); kiểm tra nguồn gốc lâm sản (Điều 42); trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân (Điều 43).

          Các biện pháp khắc phục hậu quả có thể bị áp dụng nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp

      Biện pháp khắc phục hậu quả là việc tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính phải thực hiện nhằm khắc phục những hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

        Sau đây là các biện pháp khắc phục hậu quả có thể bị áp dụng nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp:

- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

- Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

- Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;

- Buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính;

- Buộc thu hồi chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã cấp;

- Buộc chi trả đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng và tiền lãi phát sinh từ việc chậm chi trả (nếu có) tương ứng với số tiền và thời gian chậm chi trả;

- Buộc chi trả đầy đủ tiền dịch vụ môi trường rừng cho người nhận khoán bảo vệ rừng theo hợp đồng đã ký kết;

- Buộc tiêu hủy lô hạt giống, lô cây giống lâm nghiệp;

- Buộc đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy ra khỏi rừng;

- Buộc lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định của pháp luật hoặc buộc lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Buộc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Buộc trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp.

Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

- Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên;

- Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

 Đặng Thị Thanh Mai - Chi cục Kiểm lâm

 

 

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập