• Loading...
 
5 năm thực hiện Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại Huyện Mù Cang Chải
Ngày xuất bản: 27/03/2017 1:02:00 CH
2086: view

Huyện Mù Cang Chải là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, nằm trong vùng qui hoạch phòng hộ đầu nguồn sông Đà và một phần sông Hồng. Tổng diện tích tự nhiên 120.195,46 ha, thuộc 101 Tiểu khu; tổng dân số tính đến tháng 7/2012 toàn huyện là 52.155 người, với hơn 9.294 hộ; cư trú trên địa bàn 14 xã, thị trấn, 126 thôn bản và tổ dân phố (trong đó 13/14 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn) Toàn huyện có trên 12 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm 89,97%. Trong những năm qua được Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện đầu tư thông qua các chương trình Dự án, cùng với sự lỗ lực vươn lên của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện, huyện Mù Cang Chải đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng lên đáng kể, trong đó có sự nghiệp quản lý bảo vệ xây dựng và phát triển lâm nghiệp nói chung, phát triển rừng phòng hộ nói riêng.

Rừng và đất rừng là tài nguyên và tiềm năng của huyện; trong những năm qua, bằng nhiều biện pháp kỹ thuật được áp dụng nhằm nhanh chóng khôi phục lại vốn rừng như khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, bảo vệ và trồng mới rừng, diện tích rừng trồng, rừng khoanh nuôi, bảo vệ không ngừng được tăng lên. Với hệ thống động, thực vật rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều loài, nhiều họ khác nhau, nhiều loại lâm sản, dược liệu quý.

Mù Cang Chải mang đặc trưng của địa hình núi cao, bắt nguồn từ cuối dãy Hoàng Liên Sơn bao gồm nhiều dãy núi và khe suối thuộc lưu vực sông Đà và sông Hồng địa hình chia cắt mạnh tạo nên các sườn núi trải dài, mái dốc, khe suối sâu. Do vậy Mù Cang Chải có tiềm năng lớn về thủy điện, theo thống kê hiện nay trên địa bàn có 4 nhà máy đang hoạt động ổn định với tổng công suất thiết kế trên 50,..Mw là Khao Mang thượng, Hồ Bốn, Mường Kim, Kim Nọi, còn lại 01 nhà máy đang trong giai đoạn thi công là thủy điện Khao Mang, 01 đơn vị đang trong quá trình khảo sát là thủy điện Ma Lừ Thàng.

Trong những năm gần đây nhận thức về vai trò của rừng, đặc biệt là giá trị to lớn của dịch vụ môi trường rừng do rừng mang lại đã được xã hội quan tâm và được xem là một trong những giải pháp nhằm duy trì giá trị của rừng; đảm bảo sự công bằng cho người làm rừng, các cơ chế tài chính về chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời giảm thiểu những chi phí đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho những hoạt động bảo vệ và phát triển vốn rừng.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một bước đột phá trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về vai trò của rừng đối với đời sống con người. Chính sách đó quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của người sử dụng và người cung cấp dịch vụ. Như vậy chính sách không chỉ góp phần nâng cao nhận thức xã hội về giá trị phòng hộ của rừng mà còn trực tiếp tạo thêm nguồn thu nhập cho người làm nghề rừng, góp phần tích cực trong việc ổn định đời sống của người làm nghề rừng, xóa đói, giảm nghèo.

Sau 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại huyện Mù Cang Chải đến nay các đơn vị chủ rừng, Ban chi trả cấp huyện Mù Cang Chải đã tiếp nhận số tiền trên 86,731 tỷ đồng và thanh toán đầy đủ, kịp thời tới 31.812 lượt hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng.

- Công tác chi trả phí dịch vụ môi trường đã thực hiện được 5 năm mang lại rất nhiều mặt tích cực.

 Với công tác bảo vệ và phát triển rừng; nhân dân có ý thức tốt hơn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, đã nhiệt tình hơn trong công tác trồng, chăm sóc rừng, tình trạng xâm lấn, chặt phá, cháy rừng đã từng bước được hạn chế. Điều đó được thể hiện trong 5 năm qua 2011 - 2015 trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã trồng được 2.990,0 ha rừng, trong đó rừng trồng phòng hộ 2.300,0 ha, rừng sản xuất 690,0 ha, chăm sóc rừng trồng các năm 5.100,0 ha đạt 100% kế hoạch giao.

 Với công tác cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng; Chính sách chi trả tiền DVMTR được triển khai đã tạo bước phát triển tốt, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, đơn giá đầu tư cho một ha bảo vệ khá cao, từ 322.102,đồng/ha năm 2012. tăng lên 435.600, đồng/ha năm 2015 đối với lưu vực Sông Đà. Từ  28.612,đồng/ha năm 2012 tăng lên 163.000 đồng/ha đối với lưu vực Sông Hồng. Đó thực sự là một nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện một phần đời sống của nhân dân trong vùng dự án, đóng góp vào công tác ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo của huyện Mù Cang Chải trong những năm vừa qua.

Từ kết quả đó cho thấy, cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền DVMTR đã đóng góp một phần trong tổng thu nhập của người dân, từng bước nâng cao ý thức người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Thực tế cho thấy, hiện nay người dân các địa phương có rừng trên địa bàn huyện đã ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Các chủ rừng đã tiến hành giao khoán rừng ổn định lâu dài cho các hộ gia đình nên đã có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chủ rừng với hộ gia đình và chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã được hạn chế.

Bên cạnh đó sau 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến nay người dân huyện Mù Cang Chải nói chung và đối tượng thụ hưởng chính sách nói riêng cơ bản đã hiểu về mục đích, yêu cầu, phương pháp chi trả đối với dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng.

- Công tác xác định ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng; chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản.

Toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, rừng được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải và Ban quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh quản lý, trực tiếp là chủ rừng, không có các thành phần là hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn bản là chủ rừng. Khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường được thực hiện, các đơn vị trên đã phối kết hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, Chi cục lâm nghiệp rà soát lại toàn bộ hiện trạng, ranh giới cũng như xác định dòng chảy của việc cung cấp nước đối với các hệ thống sông suối sử dụng nguồn nước để phát điện, cung cấp nước sạch làm cơ sở báo cáo với tỉnh thu tiền của các đơn vị sản xuất cũng như làm căn cứ để chi trả chính sách cho các đối tượng thụ hưởng chính sách.

- Xây dựng bản đồ quản lý diện tích rừng thuộc các lưu vực.

Hằng năm Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tiến hành rà soát lại toàn bộ hiện trạng diện tích đất lâm nghiệp thuộc đơn vị quản lý theo hồ sơ, bản đồ quản lý khu rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng đối với các xã, từng nhóm hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Điều chỉnh đưa vào các diện tích đã thành rừng là rừng trồng sau 4 năm đầu tư trồng, chăm sóc để xây dựng kế hoạch chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, điều chỉnh giảm đối với những diện tích do các nhóm hộ, đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng nhưng để mất rừng như để sẩy ra cháy rừng, xâm lấn làm nương rẫy, chặt phá rừng và các diện tích thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng theo Quyết định của cấp có thẩm quyền ra ngoài kế hoạch chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo đúng hướng dẫn của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh. Ngoài ra phải hoàn thiện bản đồ quản lý khu rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng của 14 xã, thị trấn kèm theo kế hoạch chi trả gửi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đảm bảo chính sác từng vị trí của lô rừng có hưởng dịch vụ thuộc các lưu vực làm căn cứ phê duyệt.

- Công tác nghiệm thu, tiếp nhận kinh phí, chi trả và thanh quyết toán kinh phí.

Việc tiếp nhận kinh phí được thực hiện sau khi có kết quả nghiệm thu phúc tra của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, căn cứ vào Quyết định phê duyệt kế hoạch chi trả dịch vụ môi trường rừng của UBND tỉnh Yên Bái nguồn vốn được chuyển vào tài khoản của các đơn vị chủ rừng, các đơn vị chủ rừng có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn tới các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ về đơn giá, biểu mẫu, cách thức thanh toán, thời gian thanh toán. Sau khi các thủ tục được kế toán kiểm soát đầy đủ, đảm bảo yêu cầu, chủ rừng tiến hành thanh toán trực tiếp tới đại diện của các nhóm hộ nhận khoán dưới sự giám sát của UBND xã, cán bộ phụ trách xã. Đại diện các nhóm hộ nhận khoán có trách nhiệm cấp phát đầy đủ theo danh sách tới từng hộ gia đình trong nhóm dưới sự giám sát của cán bộ xã và cán bộ phụ trách xã của 2 Ban quản lý,

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chính sách còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Chính sách tài chính cho hoạt động nghiệp vụ của các chủ rừng, công tác chi trả cho các chủ rừng là hộ gia đình, mức chi trả tiền DVMTR có sự chênh lệch lớn về đơn giá giữa các lưu vực …vv. Để đánh giá kết quả triển khai 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ MTR, những tác động của chính sách đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, xác định rõ những nguyên nhân tồn tại, rút ra những bài học kinh nghiệm đề ra những giải pháp khắc phục.

Với truyền thống của một huyện Anh hùng, truyền thống trên 45 năm tham gia thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng đến nay huyện Mù Cang Chải đó có trên 77.829,08 ha đất có rừng, trong đó: Rừng tự nhiên: 58.858,07 ha Rừng trồng: 18.971,01 ha Độ che phủ toàn huyện đạt 65%.

Đối với người dân từ chỗ chỉ biết có khai thác, phá rừng để bán, phát rừng để làm nương rẫy, đốt rừng để lấy cỏ cho gia súc ăn, nay người dân đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, tự giác tham gia trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng đó thực sự là thành quả và lỗ lực của những người tâm huyết, gắn bó với rừng.  Để đạt được những thành quả trên đó là nhờ những chủ chương, chính sách, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm sát sao và chỉ đạo trực tiếp, có hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các Sở ban, ngành của tỉnh, của huyện, sự lỗ lực phấn đấu không kể vất vả, hi sinh của bao thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, công nhân viên chức để có kết quả như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, do sức ép về nhu cầu sinh hoạt như làm nhà ở, việc nấu nướng của người dân vẫn dùng củi đun là chính, trong sản xuất vẫn chưa bỏ được việc canh tác nương, rẫy, hơn nữa vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa có ý thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng, xây dựng và phát triển rừng dẫn đến hằng năm vẫn còn sẩy ra các vụ cháy rừng mà nguyên nhân chủ yếu do đốt nương bất cẩn làm cháy nan vào rừng, vẫn còn tình trạng chặt cây tươi làm củi, xẻ gỗ làm nhà, mua bán lâm sản.

Sau 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến nay, huyện Mù Cang Chải rút ra những kinh nghiệm thực tiễn đó là: Nhân dân huyện Mù Cang Chải nói chung và đối tượng thụ hưởng chính sách nói riêng phải được nâng cao đời sống vật chất và tinh thần khi thực hiện dự án là mục tiêu cơ bản. Do vây việc đầu tư xây dựng các dự án phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nhân dân, ưu tiên những nhu cầu cấp bách, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ sự lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo của cấp trên, mở rộng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mọi lợi ích đều phải nhằm phục vụ nhân dân. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, cân đối quỹ đất cho phù hợp, quy hoạch phải mang tính khoa học, tránh hình thức và chạy theo thành tích, phát triển đi đôi với bảo vệ, đảm bảo môi trường sinh thái, từng bước làm cho người dân hiểu về mục đích, yêu cầu, phương pháp chi trả đối với dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh.

                                                            Đặng Thị Thanh Mai – Phòng QLBVR.      

 

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập