• Loading...
 
GIỚI THIỆU ĐA DẠNG SINH HỌC KHU BẢO TỒN LOÀI VÀ SINH CẢNH MÙ CANG CHẢI
Ngày xuất bản: 30/10/2018 10:46:00 SA
3467: view

              Khu Bảo tồn Loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có diện tích 20.108,2 ha bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; và phân khu phục hồi sinh thái; ngoài ra còn có 94.325,1 ha vùng đệm. Diện tích khu nằm trên địa phận các xã Chế Tạo, Nậm Khắt, Dế Xu Phình, Púng Luông, Lao Chải. Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải là nơi được đánh giá cao về độ đa dạng sinh học. Sự phong phú về đa dạng sinh học được thể hiện trên các mặt:

- Đa dạng thảm thực vật

Thảm thực vật tự nhiên hiện nay của Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải chủ yếu là rừng thường xanh núi cao trên 1300m. Theo kết quả Điều tra thực vật tại các cánh rừng nguyên sinh Mù Cang Chải cho thấy thành phần và cấu trúc mang tính đặc trưng của dãy núi Hoàng Liên Sơn. Tính theo đai độ cao thì các rừng này có thể chia thành ba kiểu khác nhau: Rừng núi thấp, rừng núi cao và rừng nùn núi cao. Trong đó:

       + Rừng núi thấp: Xuất hiện độ cao 700-1800m, có diện tích 210ha rừng nguyên sinh. Kiểu rừng này có tán thay đổi liên tục và đạt tới độ cao 20-30m. Thành phần chủ yếu là các hộ Dẻ, Mộc lan, Côm. Tầng vượt tán lên tới 40-50m với các loài cây lá rộng thuộc họ Dẻ, Long não và cây lá kim: Pơ mu. Tầng dưới <20m là các cá thể non, cùng với các loài cây ưa bóng ôn đới. Các loài phụ sinh phổ biến là dương xỉ, cây họ Ráy và Phong lan.

       + Rừng núi cao: Kéo dài từ độ cao 1.600m- 2.300m. Loại rừng này hầu như chưa bị tác động và chịu ảnh hưởng của khí hậu á nhiệt đới. Cấu trúc của chúng tương tự cấu trúc của tầng tán thấp và chúng chưa vượt tán. Tầng tán có độ cao từ 15-25m thành phần các loài cây tương tự các vùng núi thấp gồm các loài trong họ Dẻ, Long não, Mộc lan. Nhưng các quần hợp trên núi cao còn xuất hiện một số cây lá kim mà rừng núi thấp không có, bao gồm các loài: Amentotaxus argotaenia, Tsuga chinensis, Cunninghamia sp. Ngoài ra tầng đất còn có các bụi tre dày thuần loại của loài Arudunaria sp, các loài thực vật biểu sinh phong phú và đa dạng hơn rừng núi thấp.

       + Rừng lùn núi cao: Chiếm 4% toàn bộ diện tích thảm rừng và 2% diện tích khu bảo tồn, tuy nhiên thảm thực vật này chỉ phát triển trên độ cao 2.300m. Nơi đây có khí hậu khá khắc nghiệt mang tính đặc thù, do đó sự đa dạng loài và cấu trúc rừng không phức tạp. Rừng chỉ có 2 từng: tầng thấp (5-10 m) với loài cây ưu thế là Rhododendron (Ericaceae). Tầng mặt dày gồm các bụi trúc lùn, rêu, dương xỉ. Một số loài thực vật biểu sinh được tìm thấy ở đây như: dương xỉ, địa y.

Thảm thực vật trong KBT Loài và sinh cảnh Mù Cang Chải bao gồm chủ yếu là các loài cây lá rộng thường xanh. Một vài nơi còn sót lại rải rác cây lá kim như: Pơmu (Fokienia hodginsii), Thông tre (Podocarpus neriifonius)... Đặc biệt trên phần đỉnh của hệ thống núi phía Đông có thung lũng nhỏ khoảng >1 km2, rất bằng phẳng có xuất hiện kiểu rừng hỗn giao lá rộng, lá kim Á nhiệt đới với một số loài cây ưu thế như: Thiết sam (Tsuga dumosa), Bông sứ (Michelia hypolamra), Re hương (Cinnamomun iners), Sồi lào (Lithocapus laoticus) và một số loài khác. Diện tích rừng tự nhiên nguyên sinh ít bị tác động chiếm 44%. Rừng thứ sinh hiện bao phủ 15% diện tích khu bảo tồn. Loại rừng này chủ yếu phân bố ở nơi cao, dốc, xa khu dân cư, khó có thể tiếp cận, do đó chỉ có một số hoạt động khai thác gỗ lẻ tẻ hoặc thu hái những sản phẩm lâm sản phụ khác như mật ong, cây thuốc...Chính vì vậy cấu trúc rừng còn tương đối đồng nhất, tán rừng thường phẳng, chiều cao cây khá đồng đều. Tuy nhiên gần 33% diện tích thảm thực vật trong KBT đã bị tàn phá bởi nhiều hoạt động của con người, tán rừng bị phá vỡ, chất lượng rừng đã bị suy giảm nghiêm trọng như chặt trắng, chặt chọn và du canh, du cư đã khiến cấu trúc rừng trở nên đơn giản hơn nhiều so với rừng nguyên sinh trước đây, phần lớn là các loài cây mọc nhanh như Mallotus, Schima và Styrax, có độ che phủ trên 50%.

* Đa dạng thực vật

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có tính đa dạng và đặc hữu cao về thực vật, qua nhiều đợt điều tra của Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI); Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cagn Chải đã thống kê được 788 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 488 chi, 147 họ và 5 ngành. Ngành Ngọc Lan (Magnoliphyta) chiếm tỷ trọng cao nhất (>89%), Tiếp đến là ngành Dương xỉ (Polypodiophyta), 3 ngành còn lại mỗi ngành chỉ có 1 đến 7 loài. Trong 788 loài có 190 loài cho gỗ thuộc 54 họ, chủ yếu là nhóm gỗ hồng sắc và tạp mộc. Những loài cho gỗ có giá trị kinh tế cao như Pơmu, Bách xanh ở đây không nhiều. Các họ có nhiều loài cho gỗ là Lauraceae (28 loài), Fagaceae, Symplocaceae, Euphorbiaceae (7loài), Araliaceae, Hamamelidaceae (6 loài); các hộ khác mỗi họ chỉ có từ 1 đến 4 loài. Đã thống kê được 267 loài thuộc 95 họ thực vật bậc cao có mạch có thể dùng làm thuốc và đã ghi nhận có 77 loài cây làm cảnh. Từ kết quả trên có thể nói rằng hệ thực vật ở Khu bảo tồn Mù Cang Chải thuộc loại khá giàu về thành phần loài.

* Đa dạng động vật

- Khu hệ động vật KBT Loài- Sinh cảnh Mù Cang Chải rất đa dạng về thành phần loài. Từ 1980 đến năm 2002 tổ chức Bảo tồn Động thực vật quốc tế FFI đã có nhiều đợt khảo sát hệ động vật có xương sống ở khu vực và đã thống kê được 241 loài, 74 họ, 24 bộ Động vật có xương sống. Trong đó có 54 loài thú, 132 loài chim, 26 loài bò sát, 26 loài lưỡng thê. Riêng về cá, do suối nhỏ, có độ dốc lớn, chỉ sưu tầm được 3 loài cá bám đá, ít giá trị kinh tế. Có 42 loài quí hiếm cho Việt nam và 28 loài ở mức độ bị đe doạ toàn cầu. Đặc biệt có 4 loài: Niệc cổ hung, Gà lôi tía, Vượn đen, Voọc xám đang có nguy cơ bị đe doạ tiêu diệt ở mức toàn cầu.

- Hiện trạng một số loài động vật Tài nguyên động vật ở Khu bảo tồn rất đa dạng và phong phú về thành phần loài. Tuy nhiên, số lượng và mật độ của các loài đều rất thấp. Đặc biệt là những loài có kích thước lớn, các loài quý hiếm. Hiện nay, tại KBT có nhiều loài ở trong tình trạng nguy cấp và có khả năng tuyệt chủng như: 

+ Vượn đen tuyền Tây Bắc (Nomascus concolor): Đây là loài vượn rất hiếm, trên thế giới chỉ có ở Đông Nam Trung Quốc và Tây Bắc Việt Nam, được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 2007 (cấp EN), Danh lục Đỏ IUCN, 2007 (cấp CR), ở nước ta đang trên bờ vực tuyệt chủng. Theo kết quả điều tra gần đây cả nước còn khoảng 50 -100 cá thể, phân bố trong vùng thuộc: Mù Cang Chải (Yên Bái), Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Văn Bà, Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn.

Voọc xám (Trachypithecus crepusculus): Đây là loài linh trưởng đang được quan tâm bảo tồn ở  mức độ toàn cầu. Theo thông tin phỏng vấn với báo cáo  trước (Long và cộng sự, 2000; Nadler và cộng sự, 2003; Lê Khắc Quyết và Trịnh Đình Hoàng, 2004; Lê Trọng Đạt, 2005; Lê Trọng Đạt và Lê Hữu Oánh, 2006, 2007; Lê Trọng Đạt và Lương Văn Hào, 2008) đã khái quát được thông tin về loài Voọc xám tại Mù Cang Chải số lượng đàn và cá thể qua các năm tương đối ổn định. Nhìn chung kích thước quần thể loài Voọc xám ở khu vực này hiện còn rất lớn so với các khu vực khác như Mường La (Nàng Lu, Pỏ Han, thung lũng suối Khoa và suối Kẻ) đa phát hiện số lượng đàn chủ yếu là 2-3, số lượng cá thể dao động từ 8-20 con. Do đó, Mù Cang Chải cũng là khu vực lý tưởng có thể bảo tồn loài Voọc xám này ở miền Bắc Việt Nam.

Niệc cổ hung (Aceros nipalensis): là loài đang bị đe dọa toàn cầu được tổ chức Bảo tồn chim Quốc tế (birdlife international,2003) xếp vào bậc sẽ nguy cấp. Loài này phân bố khắp vùng núi từ Nê-pan sang Việt Nam, từ Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ nhưng hiện nay chỉ được khăng định ở hai địa điểm: Mù Cang Chải của dãy Hoàng Liên Sơn và Vườn quốc gia Pù Mát ở Bắc Trung Bộ (Birdlife, 2003). Qua nhiều đợt điều tra và phỏng vấn, ở khu rừng giáp ranh giữa ranh giới của 2 tỉnh Yên Bái và Sơn La số lượng cá thể ước lượng được dao động từ 28-37 cá thể.

Vượn đen tuyền là loài nguy cấp quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng cao; Bảo tồn tốt hệ sinh thái của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải là bảo vệ tốt sinh cảnh sống của Vượn đen tuyền, một số các loài Linh trưởng khác và một số loài động vật quý hiếm.

Nguyễn Thị Kim Phượng - Chi cục Kiểm lâm Yên Bái

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập