Trong nhịp bước hối hả của cuộc sống hôm nay, cùng với thành tựu về phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt chỉ tiêu đề ra, nền kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng tạo nên sự thay đổi vượt bậc của đất nước khi hội nhập với khu vực và thế giới, công tác quản lý bảo vệ rừng và trồng rừng phát triển vốn rừng đã được toàn dân, toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Rừng không chỉ là bạn trong chiến đấu chống kẻ thù khi đất nước có chiến tranh mà rừng còn gắn liền với cuộc sống cộng đồng. Tài nguyên rừng đóng vai trò rất quan trọng không chỉ về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường mà còn mang tính chiến lược về an ninh quốc phòng .
Nhận thấy được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của con người và để tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, Ngày 21/5/1973 Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101-CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân. Từ đó ngày 21 tháng 5 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của lực lượng Kiểm lâm Việt nam.
Tỉnh Yên bái nằm ở trung tâm vùng núi và trung du bắc bộ, có 9 huyện, thị xã, thành phố; tiếp giáp với tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Phú Thọ. Tổng diện tích tự nhiên 689.949,05 ha; diện tích đất có rừng 411.498,7 ha trong đó rừng tự nhiên 235.511 ha, rừng trồng 175.987,7 ha, có khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù cang chải với diện tích 20.293 ha, vùng đệm là 74.012 ha và khu bảo tồn thiên nhiên Nà hẩu với diện tích 7.399ha, vùng đệm là 9.149 ha. Rừng Yên Bái luôn giữ vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn cho các sông, hồ lớn như sông Đà, sông Chảy, hồ Thác bà và phục vụ sản xuất cho các ngành công nghiệp trong và ngoài tỉnh, đáp ứng gỗ và lâm sản cho các ngành công nghiệp xây dựng, phục vụ đời sống của nhân dân và là vùng nguyên liệu giấy. Mặt khác, rừng Yên bái với hệ động thực vật đa dạng với 788 loài thực vật bậc cao có tới 33 loài thuộc diện quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới. Nhiều loài gỗ có giá trị kinh tế cao như Pơmu, Bách xanh. Về động vật rừng có các loài động vật quý hiếm như loài Vượn đen tuyền, Vượn cổ hung, Gà lôi tía và Voọc xám tập trung ở hai khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế tạo- Mù cang chải và khu bảo tồn Nà hẩu- Văn Yên.
Sự tồn tại và phát triển của rừng Yên bái gắn liền với công tác quản lý bảo vệ rừng và trồng rừng cùng với sự trưởng thành của lực lượng Kiểm lâm. Ngày 1 tháng 9 năm 1973, Tổng cục Lâm nghiệp ( nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã ban hành Quyết định số 740/QĐ thành lập lực lượng Kiểm lâm Yên bái- một trong ba tỉnh có tổ chức Kiểm lâm sớm nhất trong cả nước. Do yêu cầu nhiệm vụ, song song với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Chi cục tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức. Ngày đầu thành lập, Kiểm lâm Yên bái chỉ với 2 kỹ sư, 14 trung cấp còn lại bộ đội xuất ngũ chưa có nghiệp vụ, nhưng Kiểm lâm Yên bái đã tham mưu cho tỉnh về tổ chức quản lý rừng đặt nền móng cho phương thức quản lý rừng tiên tiến, phục vụ kịp thời các phương án qui hoạch, kế hoạch sản xuất Nông- Lâm nghiệp. Với tổng diện tích đất lâm nghiệp 524.389 ha được chia thành 472 tiểu khu để tổ chức quản lý và sản xuất theo 3 loại rừng: 243.602 ha rừng sản xuất, 272.444 ha rừng phòng hộ và 8.313 ha rừng đặc dụng. Sau ngày thống nhất đất nước, dù biên chế còn mỏng nhưng Kiểm lâm Yên bái đã cử 18 cán bộ công chức vào các tỉnh phía Nam công tác, nhiều đồng chí đã và đang là cán bộ chủ chốt của ngành và của tỉnh bạn.
Quá trình hình thành và phát triển, tuy bốn lần đổi mới về tổ chức, tên gọi do chủ trương tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, từ Kiểm lâm Yên bái đến Kiểm lâm Hoàng liên sơn và trở lại Kiểm lâm Yên bái. Đổi mới là làm cho tổ chức phù hợp hơn, hoạt động có hiệu quả hơn. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào lực lượng Kiểm lâm cũng được xác định là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Năm 1976, tỉnh Hoàng liên sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Yên bái- Nghĩa lộ- Lào cai, Kiểm lâm Hoàng liên sơn được thành lập và tổ chức hoạt động theo Nghị định 101- CP của Hội đồng Chính phủ (1973- 1979). Bốn năn sau, Chi cục Kiểm lâm về trực thuộc Sở Lâm nghiệp và thực hiện chức năng, nhiệm vụ QLBVR theo Nghị định 368- CP của Hội đồng Bộ trưởng (1979- 1994). Kiểm lâm Hoàng liên sơn tổ chức hoạt động điều tra cơ bản về tài nguyên rừng phục vụ chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, dự án rừng phòng hộ sông Đà, sông Chảy…Tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng thông qua việc xây dựng màng lưới tổ đội quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn bản. Trong những năm 1976- 1985 có 100% số xã có Trưởng ban lâm nghiệp, mỗi bản có 1 tổ đội bảo vệ rừng. Đó là một chủ trương phù hợp đối với các địa phương có rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Kiểm lâm phụ trách địa bàn.
Luật bảo vệ và phát triển rừng lần đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 12 tháng 8 năm 1991. Cùng với việc tỉnh Yên bái được tái lập trên cơ sở tách tỉnh Hoàng liên sơn thành tỉnh Yên bái và tỉnh Lào cai. Tổ chức hoạt động của lực lượng Kiểm lâm Yên bái theo Nghị định 39/CP ngày 18 tháng 5 năm 1994 của Chính phủ và trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quyết định số 08/ QĐ-UB ngày 8 tháng 1 năm 1998 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên bái. Vị thế của Kiểm lâm đã được nâng lên, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo đảm việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả hơn. Tham gia quy hoạch Nông – lâm nghiệp, xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn về quản lý bảo vệ rừng của tỉnh. như: chương trình phủ xanh đất chống đồi núi trọc giai đoạn 1993 – 2000, phát triển sử dụng hợp lý rừng Pơmu 1995 – 2005, đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống dồi núi trọc, triển khai thực hiện các dự án rừng phòng hộ sông Đà theo Quyết định số 384/QĐ ngày 11 tháng 12 năm 1989 của Chính phủ cho 11 xã của huyện Mù cang chải với tổng diện tích xây dựng giai đoạn năm 1999 – 2000 là 51.700 ha ( trồng rừng 10.000 ha; khoanh nuôi 27.200 ha, bảo vệ rừng 14.500 ha). Dự án rừng phòng hộ sông Chảy cho 42 xã thuộc 2 huyện Yên bình và Lục yên theo Quyết định số 403/QĐ ngày 14 tháng 12 năm 1991 của Chính phủ, giai đoạn 1993 – 2000 với tổng diện tích là 30.042 ha ( trồng rừng 12.000 ha, khoanh nuôi 6.952 ha, bảo vệ rừng hiện có 11.090 ha ). Khi có chương trình 327, việc xây dựng và đầu tư vẫn tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch hàng năm với phương thức chỉ đạo của Chương trình 327 và hiện nay là dự án 661. Việc giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức cá nhân hộ gia đình sử dụng ổn định lâu dài đã xác định rừng và đất rừng có chủ là động lực thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp và quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả hơn. Và là tiền đề cho sự hình thành và phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Yên bái. Góp phần vào công tác xã hội hoá nghề rừng và chương trình xoá đói giảm nghèo ở tỉnh. Phối hợp cùng với các chủ rừng vừa trồng rừng, PCCCR và phòng trừ sâu bệnh hại rừng với chiến dịch dập dịch sâu hại Bồ đề năm 1981 ở Lâm trường Việt hưng, ở Đảo hồ Thác bà năm 1996, dịch sâu hại quế ở Văn yên năm 1996. Đã đưa độ che phủ của rừng năm 1999 đạt 37,6%. Kiểm lâm Yên bái được tổ chức thống nhất từ tỉnh đến huyện với 9 Hạt Kiểm lâm huyện, thị xã, thành phố; 5 phòng nghiệp vụ và 1 Đội Kiểm lâm cơ động cùng với đội ngũ công chức Kiểm lâm được đào tạo cả về phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn. Đây là lực lượng chính thực thi Luật bảo vệ và phát triển rừng, đi đầu trong trận tuyến bảo vệ, giữ gìn mầu xanh cho rừng.
Trước yêu cầu của thực tiễn đặt ra, ngày 3 tháng 12 năm 2004 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm. Kiểm lâm Yên bái được tổ chức lại theo Quyết định số 1691/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên bái quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kiểm lâm Yên bái, theo đó Kiểm lâm về trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Yên bái. Kỷ niệm 38 năm ngày thành lập kiểm lâm Việt Nam là một dịp để nhìn nhận lại quá trình hoạt động trong suốt thời gian qua. Ba mươi nhăm năm trôi qua, lực lượng kiểm lâm Yên bái đã khẳng định vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng trên địa bàn tỉnh Yên bái.
Từ khi thành lập tới nay, Lực lượng kiểm lâm Yên bái có một quá trình phát triển cả về lượng và chất cũng như trang thiết bị phục vụ công tác. Khi mới thành lập công chức kiểm lâm phần lớn là bộ đội chuyển ngành, trình độ về học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế. Đến nay biên chế lực lượng kiểm lâm là 258 người ( Trong đó: 102 Đại học; 01 Cao đẳng; 120 Trung cấp) 7 Cao cấp lý luận chính trị, 02 cử nhân chính trị. Hàng năm chi cục đã mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho 100% cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, cử cán bộ dự lớp tập huấn của Cục kiểm lâm tổ chức về điều tra hình sự, công tác PCCCR, pháp chế thanh tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước. Xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo cán bộ nguồn 5 năm, 10 năm, 15 năm, tạo điều kiện để cán bộ công chức học tập năng cao trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị, coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn việc giáo dục chính trị với bồi dưỡng đào tạo chuyên môn, ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống và trong khi thi hành công vụ. Đây là cả một quá trình phấn đấu mang tính chiến lược về con người để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.
Trong sự nghiệp trồng cây gây rừng, Bác Hồ rất quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng người nói “ Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ xây dựng thì rừng rất quý” Bác chỉ cho chúng ta thấy rừng là tài sản quý của quốc gia. Nếu chúng ta biết chăm lo bảo vệ xây dựng và phát triển thì rừng sẽ đem lại lợi ích lớn cho con người, nếu chúng ta thiếu đi sự quan tâm, giữ gìn, để mất rừng thì tác hại cũng không nhỏ đối với đời sống và sản xuất. Thực hiện lời dạy của Người, cán bộ chiến sĩ lực lượng kiểm lâm Yên bái đã không quản rừng sâu, núi cao, không nề gian khổ, khó khăn và nguy hiểm có thể đe doạ đến tính mạng, nơi nào có rừng là nơi đó có bàn chân kiểm lâm để bảo vệ mầu xanh cho Tổ quốc. Thực hiện Quyết định số 105( nay là quyết định số 83) của Bộ nông nghiệp & PTNT về nhiệm vụ của kiểm lâm địa bàn, Chi cục đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm tăng cường kiểm lâm về địa bàn xã công tác hiện nay đã có 198 người/ 180 xã có cán bộ kiểm lâm địa bàn xã với nhiệm vụ tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác quản lý bảo vệ rừng, tuyên truyền cho người dân hiểu về luật bảo vệ và phát triển rừng, ký cam kết với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, không để mất rừng và cháy rừng xẩy ra. Đồng thời phối hợp với các ngành và cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền bằng nhiều hình thức công tác quản lý bảo vệ rừng.
Đất nước ta đã thống nhất, cả nước cùng chung tay xây dựng cơ sở vật chất của Chủ nghĩa xã hội. Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, chúng ta không quên lời răn của cổ nhân: “ Nhất thuỷ, nhì hoả, thứ ba là tặc”.Việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép gian khổ bao nhiêu, thì việc chống giặc lửa rừng cũng khó khăn bấy nhiêu. Yên bái cũng như các tỉnh miền núi có rừng luôn tiềm ẩn nguy cơ hiểm hoạ lũ lụt vào mùa mưa và cháy rừng vào mùa khô. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu chung lại đều do con người gây lên. Để từng bước và đi đến ngăn chặn lửa rừng thì lực lượng kiểm lâm là nòng cốt trong công tác PCCCR. Bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn PCCCR với Phương châm chỉ đạo là: Phòng là chính- cứu chữa kịp thời, không để cháy lan và chủ động tổ chức huy động lực lượng theo phương án 4 tại chỗ. Từ chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng đến việc tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật bảo vệ rừng, trồng rừng và sản xuất nương rẫy. Chỉ đạo, kiểm tra các chủ rừng chấp hành các quy phạm, quy trình kỹ thuật về Phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Nhiều vụ cháy rừng xẩy ra đã được dập tắt kịp thời, là kết quả của việc thực hiện phương án 4 tại chỗ, trong đó yếu tố chỉ huy và lực lượng tại chỗ là quan trọng nhất. Đã tham mưu cho tỉnh, huyện và 168 xã có rừng, 7 công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ Trạm tấu, Mù cang chải củng cố các ban chỉ huy PCCCR, xây dựng kế hoạch PCCCR, tổ chức mạng lưới thông tin cảnh báo dự báo cháy rừng từ cơ sở đến tỉnh để phản ánh kịp thời diến biến tài nguyên rừng ở cơ sở với các cấp lãnh đạo để có cơ sở đưa ra những kế hoạch, nhiệm vụ sát thực tế trên cơ sở đề án nâng cao năng lực PCCCR tỉnh Yên bái giai đoạn 2007-2011. Xây dựng 1.380 quy ước, hương ước bảo vệ rừng gắn với phong tục tập quán của người dân. Đây là bước cụ thể hoá Luật bảo vệ và phát triển rừng thành “lệ” của làng bản được thực thi đi vào cuộc sống.
Lực lượng kiểm lâm thực hiện có hiệu quả các dự báo và xây dựng phương án PCCCR. Hàng năm vào mùa hanh khô từ tháng 10 năm trước tới tháng 5 năm sau, Chi cục tập trung chỉ đạo nhiệm vụ PCCCR. Tham mưu cho chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng có kế hoạch cụ thể về PCCCR trên địa bàn, quản lý sản xuất nương rẫy và kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR tỉnh và 189 Ban chỉ đạo PCCCR cấp huyện và cấp cơ sở và các tổ đội xung kích, tổ chức diễn tập PCCCR ở các huyện trọng điểm gồm các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội và nhân dân địa phương. Ký cam kết với các hộ dân về PCCCR và xây dựng quy ước bảo vệ rừng ở 82 xã với 943 thôn bản. Từ đó, đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức ở cơ sở về công tác PCCCR.
Công tác quản lý bảo vệ rừng cũng có nhiều biến chuyển. Nhận thức sâu sắc về sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội, trong những năm qua Chi cục luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng dân cư làm cho mọi người dân nhận thức rõ nguồn lợi to lớn lâu dài của rừng đối với chính đời sống của họ và sự tồn tại phát triển của cả cộng đồng, vận động 10.228 hộ và nhóm hộ gia đình nhận khoán bảo vệ 112.133,4 ha rừng tự nhiên, hướng tới chủ trương xã hội hoá công tác quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng. Phối hợp với các ban ngành, Đài truyền thanh truyền hình và Báo Yên bái tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật bảo vệ Phát triển rừng, các Nghị định của Chính phủ về PCCCR. Nêu gương người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến về bảo vệ và xây dựng phát triển vốn rừng thông qua chuyên mục Toàn dân bảo vệ rừng trên báo, đài và xây dựng các bản tin, các cụm pa nô, áp phích tuyên truyền về công tác QLBVR.
Công tác quản lý lâm sản luôn được chi cục quan tâm, tổ chức sắp xếp bỏ các trạm kiểm tra, kiểm soát lâm sản cố định, chuyển số cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản tăng cường cho kiểm lâm địa bàn để bảo vệ rừng tại gốc. Củng cố Đội kiểm lâm cơ động - PCCCR, Các Hạt kiểm lâm có tổ kiểm lâm cơ động. Đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, sản xuất kinh doanh vận chuyện, chế biến lâm sản trái phép. Trong cuộc chiến nóng bỏng và gay gắt hơn cả là việc phải đối mặt với các đối tượng khai thác, tàng trữ, chế biến, vận chuyển lâm sản trái phép, Có không ít có sự chống trả của bọn lâm tặc, chúng dùng dao, kiếm, mã tấu, kim tiêm có nhiễm HIV, uy hiếp đến tính mạng gây thương tích cho các chiến sĩ kiểm lâm khi thi hành nhiệm vụ. Đe doạ bằng vũ lực không được, bọn lâm tặc xoay ra dụ dỗ mua chuộc hòng làm lung lay ý chí của cán bộ kiểm lâm. Đã xẩy ra một vài trường hợp nhân viên kiểm lâm nhụt ý chí tiếp tay cho kẻ phá rừng. Nhưng tuyệt đại đa số cán bộ chiến sĩ kiểm lâm vẫn vững vàng trên trận tuyến giữ rừng. Trong suốt 38 năm hình thành và phát triển, nhất là trong thời kỳ đổi mới lực lượng kiểm lâm Yên bái đã phát hiện 870.228 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Tịch thu 41.052 m3 gỗ; Tịch thu nhiều phương tiện ô tô, xe máy, 3.398 tấn động vật hoang dã. Thu nộp ngân sách 73.165 triệu đồng; Diện tích rừng 258.918 ha năm 1999 đến nay là 375.499,4 ha. Độ che phủ của rừng từ năm 1999 là 37,6% lên 52 %. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc mỗi năm được trang bị tốt hơn để đáp ứng với công tác quản lý bảo vệ rừng trong giai đoạn hiện nay. Kinh nhiệm thực tiễn cho thấy, ở nơi nào cấp uỷ chính quyền địa phương quan tâm tới công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng thì ở đó tài nguyên rừng được giữ ổn định và ngày càng phát triển.Vì vậy trong nhiều năm qua, lực lượng kiểm lâm Yên Bái đã thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền các địa phương để làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng.
Quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, hợp tác phát triển ngày càng được mở rộng. Đón bắt cơ hội đó Kiểm lâm Yên bái đã chủ động tiếp cận một số tổ chức quốc tế về lâm nghiệp và Quỹ bảo tồn Việt nam (VCF) trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện các dự án về bảo tồn thiên nhiên, kinh nghiệm về quản lý bảo vệ rừng cộng đồng. Được sự quan tâm của tỉnh và sự phối hợp của Tổ chức bảo tồn loài, sinh cảnh quốc tế (FFI) hình thành khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế tạo-Mù cang chải và Hội đồng bảo vệ rừng huyện Mù cang chải. Từ kinh nghiệm đó đã thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Nà hẩu- Văn yên và đang xúc tiến thành lập một số khu bảo tồn thiên nhiên gắn với khu di tích lịch sử và du lịch trong tỉnh.
Trải qua 38 năm xây dựng và phát triển, kiểm lâm Yên bái rất tự hào về kết quả đã đạt được trong sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng trên địa bàn tỉnh Yên bái. Lực lượng kiểm lâm Yên bái không ngừng phấn đấu và trưởng thành. Kết quả phong trào thi đua 38 năm qua trong công tác quản lý bảo vệ rừng của Chi cục kiểm lâm Yên bái đã được Nhà nước, Chính phủ khen thưởng gồm: Huân chương lao động hạng 3 do Nhà nước trao tặng cho Hạt kiểm lâm Trấn yên năm 1984. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Chi cục kiểm lâm tỉnh Yên bái và đồng chí Chi cục trưởng năm 2000 về thành tích trong việc thực hiện Chỉ thị 286/TTg, 287/TTg của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen của Bộ, UBND tỉnh cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Nhìn lại 38 năm qua, quãng thời gian ấy là không dài so với lịch sử đấu tranh của dân tộc, nhưng đối với sự nghiệp QLBVR nói chung và hoạt động của lực lượng kiểm lâm Yên bái nói riêng là một khoảng thời gian biến động không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đã vượt qua muôn vàn khó khăn và thử thách nơi núi cao rừng sâu, sự ác liệt của những năm chiến tranh, những cám dỗ về vật chất và cả những hành vi côn đồ của lâm tặc để gìn giữ màu xanh cho rừng. Chúng ta trân trọng và tự hào về tất cả những gì đã làm được vì sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, chúng ta cũng mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật thấy hết những yếu kém, tồn tại trong quá trình tổ chức và xây dựng lực lượng, nội dung và phương pháp hoạt động, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích. Trước thực tế là tài nguyên rừng của tỉnh ngày càng suy giảm, tệ nạn phá rừng, cháy rừng, khai thác và buôn bán vận chuyện lâm sản trái phép vẫn xẩy ra, có lúc, có nơi khá nghiêm trọng đã làm cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp, khả năng phòng hộ của rừng bị giảm, làm cho thiên tai, hạn hán luôn luôn đe doạ đến sản xuất và đời sống của cả cộng đồng.
Với truyền thống 38 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ chiến sĩ lực lượng Kiểm lâm Yên bái tuyệt đối tin tưởng vào đường lối đổi mới của đảng và bày tỏ lòng biết ơn sự lãnh đạo của Tỉnh, của ngành cấp trên và sự ủng hộ của các cấp các ngành, đặc biệt của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và sự cố gắng phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ chiến sĩ lực lượng Kỉêm lâm Yên bái trong suốt 38 năm qua. Chúng tôi nguyện đoàn kết chặt chẽ phấn đấu vươn lên ngang tầm nhiệm vụ mới. Trước tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi lực lượng kiểm lâm Yên bái phải thực sự đổi mới về chất, từ tổ chức và xây dựng lực lượng đến tư duy và phương pháp hoạt động.
Đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, cán bộ chiến sĩ Lực lượng Kiểm lâm Yên bái ghi nhận những công lao đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ Kiểm lâm đã dày công xây dựng ngành, mặc dù đến thời điểm này có những đồng chí không còn nữa. Có đồng chí vì tuổi cao sức yếu, bệnh nặng nhưng vẫn hướng về nghề rừng, nhớ rừng vì“ Hồn Tổ quốc ở nơi rừng sâu thẳm, rừng suy tàn tổ quốc suy vong”.
Từ những bài học kinh nghiệm trong 38 năm qua về tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng; về sự chủ động tham mưu cho cấp uỷ chính quyền các cấp với việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Kiểm lâm. Trong thời gian tới, lực lượng kiểm lâm phải có sự cố gắng nỗ lực nhiều hơn để phấn đấu, ngăn chặn những nguy cơ huỷ hoại tài nguyên rừng, thực hiện tốt Luật bảo vệ và phát triển rừng, Nghị quyết của đảng bộ tỉnh Yên bái đưa độ che phủ của rừng lên 58% vào năm 2010, đồng thời khắc phục những tồn tại yếu kém để vươn lên, là nòng cốt trong công tác QLBVR.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo vệ bằng được rừng tự nhiên hiện có, khoanh nuôi phục hồi và trồng rừng mới, sử dụng tiết kiệm và hợp lý tài nguyên rừng trên cơ sở áp dụng công nghệ mới, thiết bị tiên tiến, tạo ra sản phẩm có giá trị cao phục vụ tiêu dùng. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các đoàn thể, cùng nhau xây dựng những giải pháp, biện pháp và các chính sách để vận dụng, tổ chức cho nhân dân tham gia sâu rộng về phong trào bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế trang trại. Quy hoạch ổn định và hợp lý 3 loại rừng, xác định gianh giới các loại rừng, tổ chức hệ thống quản lý bảo vệ rừng từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thi hành pháp luật, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm luật bảo vệ rừng và phát triển rừng. Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế và các tổ chức trong nước phối hợp thực hiện các mô hình, dự án bảo tồn thiên nhiên và quản lý bảo vệ rừng cộng đồng. Phát triển một nền Lâm nghiệp toàn diện, sản xuất hàng hoá và hệ sinh thái rừng bền vững, gắn Lâm nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường, đi đôi với xây dựng nông lâm nghiệp- nông thôn, bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt nam.
Tăng cường kiểm lâm về địa bàn xã làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng các đề án định giá rừng, cho thuê rừng, đề án hỗ trợ người dân xây dựng nương rẫy để trồng rừng và phát triển vốn rừng. Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh góp phần trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn tiêu cực khác; đồng thời nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và phong cách làm việc của công chức Kiểm lâm.
Kiểm lâm Yên bái quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ thì rừng rất quý”,