Câu 1: Xin đồng chí đánh giá về hiệu quả của việc trồng Sơn tra tại các huyện vùng cao của Yên Bái, đem lại chuyển biến gì trong phát triển kinh tế?
Trả lời:
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015-2020 hướng tới xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; thì đối với lĩnh vực Lâm nghiệp, tỉnh chủ trương tập trung phát triển các loài cây Quế, Tre măng Bát độ và Sơn tra trên cơ sở 3 Đề án thành phần đã được phê duyệt. Trong đó đối với cây Sơn tra tập trung phát triển tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, với mục tiêu đến năm 2020, trồng mới và phát triển 6.200 ha, đưa diện tích cây Sơn tra toàn tỉnh lên 10.000 ha. Riêng tính đến thời điểm hiện tại, diện tích cây Sơn tra hiện có là 8.280 ha, đạt 83% so với mục tiêu đề ra; trong đó diện tích đã cho thu hoạch ổn định là trên 3.000 ha, sản lượng bình quân là trên 3.500 tấn quả/năm, đem lại thu nhập hàng chục tỷ đồng cho người dân. Qua đó có thể thấy cây Sơn tra là loài cây bản địa vừa mang lại thu nhập cao, giúp cải thiện và phát triển kinh tế cho nhân dân tại 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, vừa có tác dụng trong việc làm giàu rừng, tăng khả năng phòng hộ của rừng, góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao.
Câu 2: Tới đây tỉnh sẽ có giải pháp gì để phát triển mở rộng diện tích cây Sơn tra?
Trả lời:
Việc phát triển mở rộng diện tích cây Sơn tra là rất cần thiết, tuy nhiên chúng ta cũng phải xem xét tới các yếu tố tác động như nguồn vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ, quỹ đất trồng rừng... nhằm đảm bảo việc phát triển cây Sơn tra một cách bền vững, hiệu quả. Hiện nay tỉnh đã có các chủ trương, giải pháp để mở rộng diện tích trồng cây Sơn tra tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Cụ thể đó là:
- Về công tác tuyên truyền: Tỉnh đã giao cho chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển cây sơn tra trên những diện tích đất trống, vườn rừng mà cây Sơn tra có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Xem xét xây dựng một số mô hình điểm về trồng Sơn tra thâm canh, trồng cây Sơn tra theo phương thức nông lâm kết hợp để nhân dân địa phương có thể học tập, tham khảo nhằm nâng cao năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm.
- Về vấn đề cây giống: Tỉnh đã và đang triển khai thực hiện Dự án cây Sơn tra ghép nhằm tạo nguồn giống chất lượng, giúp rút ngắn thời gian cho thu hoạch sản phẩm.
- Về vốn: Hàng năm, tỉnh đều xem xét, hỗ trợ kinh phí cho người dân vùng cao để thực hiện phát triển cây Sơn tra từ nguồn ngân sách địa phương và từ nguồn thu nộp trồng rừng thay thế...
- Về quỹ đất: Ưu tiên phát triển cây Sơn tra bằng cách trồng bổ sung trong rừng tự nhiên phòng hộ nghèo, vừa tận dụng quỹ đất lại vừa nâng cao hiệu quả phòng hộ của rừng. Ngoài ra, khuyến khích nhân dân trồng cây Sơn tra thay thế trên diện tích đất nương rẫy kém hiệu quả.
- Về thị trường tiêu thụ và chế biến: Xây dựng chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chuỗi giá trị Sơn tra tại tỉnh Yên Bái.
Với những giải pháp cụ thể như trên, dự kiến đến năm 2020, diện tích cây Sơn tra trên địa bàn tỉnh sẽ đạt mục tiêu đề ra là 10.000 ha, mang lại hiệu quả cao cho phát triển kinh tế tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
Câu 3: Tỉnh có chủ trương mời gọi các nhà đầu tư vào chế biến sâu quả Sơn tra?
Trả lời:
Quả Sơn tra có rất nhiều giá trị trong đông y như công dụng chữa bệnh như bệnh mạch vành, khó tiêu, chướng bụng, hạ huyết áp, dễ ngủ, giảm béo... bên cạnh đó, quả sơn tra còn được chế biến thành xi rô, rượu, mứt... Tuy nhiên hình thức tiêu thụ hiện nay chủ yếu là bán trực tiếp cho thương lái đem về xuôi tiêu thụ mà không qua chế biến, hoặc chỉ chế biến nhỏ với quy mô hộ gia đình, do vậy chưa thực sự mang giá trị sản xuất cao. Vì thế, để hình thành nên chuỗi giá trị, tỉnh đã có nhiều chủ trương để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư vào chế biến sâu quả Sơn tra nói riêng để sản xuất dược liệu, thực phẩm, rượu.... Theo đó, tỉnh đã ban hành một số chính sách như Quyết định số 136/QĐ-UBND ngày 20/1/2017 về kế hoạch thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 24/2015/QĐ-UBND quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020...nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bền vững tại tỉnh.
Trần Bá Thăng – Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái