Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được thành lập theo Quyết định số 512/QĐ - UBND ngày 09/06/2006; tổng diện tích Khu có trên 16 nghìn ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; và phân khu phục hồi sinh thái; ngoài ra còn có 27 nghìn ha vùng đệm. Diện tích khu nằm trên địa phận các xã Nà Hẩu, Mỏ Vàng, Đại Sơn, Phong Dụ Thượng. Đây là khu vực có hệ sinh thái tự nhiên mang tính điển hình của miền núi phía Bắc. Sự điển hình về hệ sinh thái tự nhiên cũng như phong phú về đa dạng sinh học được thể hiện trên các mặt:
Đa dạng kiểu thảm thực vật
Theo điều tra cho thấy trong khu vực bảo tồn có 2 kiểu rừng chính, đó là kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín thường xanh hỗn hợp cây lá rộng - lá kim ẩm á nhiệt đới. Trong đó có 4 kiểu phụ và 20 ưu hợp, quần hợp và xã hợp thực vật.
Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới
Kiểu rừng này phân bố ở đai độ cao dưới 700m. Rừng thường có cấu trúc nhiều tầng: 3 tầng cây gỗ, tầng cây bụi, thấp và tầng cỏ quyết.
- Tầng vượt tán A1: Gồm những cây gỗ lớn cao trên 30m, tán không liên tục như: Sao hòn gai (Hopea hongayensis), Chò nâu (Dipterocarpus retusus), Giổi xanh (Michelia sp.), các loài Táu, v.v...
- Tầng ưu thế sinh thái A2: Gồm những cây gỗ cao 20 – 30m, thân thẳng, tán giao nhau thành vòm liên tục, đa số là cây thuộc các họ Dẻ (Fagaceae), Long não (Lauraceae), Trinh nữ (Mimosaceae), Vang (Caesalpiniaceae), Xoan (Meliaceae), Ngọc lan (Magnoliaceae), Na (Annonaceae) v,v...
- Tầng ưu thế sinh thái A3: Gồm những cây mọc rải rác dưới tán cao 8 – 15m, thuộc các loài trong các họ Măng cụt (Clusiaceae), Du (Ulmaceae), Máu chó (Myristicaceae), Na (Annonaceae), họ Mùng quân (Flacourtiaceae), họ Ba mảnh vỏ (Euphorbiaceae), họ Mạ sưa (Proteaceae), v,v...
- Tầng cây bụi thấp: Gồm các loài cây mọc rải rác, cao 8 – 15m, thuộc các họ Cà phê (Rubiaceae), Trúc đào (Apocynaceae), Cam (Rutaceae), họ Na (Annonaceae), họ Ngũ gia bì ( Araliaceae), họ Ba mảnh vỏ (Euphorbiaceae), một số loài trong họ Cau dừa (Arecaceae), họ Tre ( Bamburaceae), v,v...
- Tầng cỏ quyết: Gồm cây thân thảo trong các họ Gai (Urticaceae), họ Ráy (Araceae), họ Hành (Liliaceae), và nhiều loài dương xỉ, quyết, v,v...
- Một số thực vật ngoại tầng như các loài trong họ Lan (Orchidaceae), họ Tổ điểu (Aspleniaceae) thường sống bám trên các thân và cành cây gỗ.
Kiểu rừng này được chia ra thành 4 kiểu phụ là: Kiểu phụ rừng nguyên sinh ít bị tác động; Kiểu phụ rừng thứ sinh nhân tác trên đất nguyên trạng; Kiểu phụ rừng thứ sinh nhân tác trên đất thoái hoá; Kiểu phụ rừng gây trồng nhân tạo.
Kiểu phụ rừng nguyên sinh ít bị tác động: Phân bố ở đai độ cao từ 500m-700m, rừng ít bị tác động nên cấu trúc rừng hầu như còn nguyên vẹn, gồm các ưu hợp:
- Ưu hợp Táu mặt qủy: Phân bố ở đai độ cao trên 500m, rừng giàu, ít bị tác động nên có cấu trúc tầng thứ điển hình cho rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới:
- Ưu hợpTáu: Khoảng độ cao 650m có một ưu hợp Táu với các loài cây chủ yếu là Táu mật, Táu muối và Táu xanh với mật độ tương đối cao.
- Xã hợp Vầu đắng: Trong khu vực có xã hợp Vầu đắng thuần loài, có chiều cao khoảng 15m, Thỉnh thoảng có Kháo, Táu xanh, Gội trắng, Bứa tái sinh, xen lẫn một số cây Táu mặt quỷ cao khoảng 25-30m.
- Ưu hợp: Kháo - Sến - Dẻ
Kiểu phụ rừng thứ sinh nhân tác trên đất nguyên trạng
- Ưu hợp Côm, Thiều rừng, Kháo vàng, Ngát, Sến, Táu xanh, Sồi gai sau khai thác gỗ chọn quá mức: Rừng không còn cấu trúc các tầng cây gỗ điển hình. Tầng trên chủ yếu là Côm, Thiều rừng, Kháo vàng, Ngát, Sến, Táu xanh, Sồi. Trong đó Côm tương đối nhiều, tầng dưới là Bứa, Ngát, Trám chua, Vạng trứng. Tái sinh có Bản xe, Sồi, Côm, Cứt ngựa. Vùng khe thấp có Chuối rừng, Cọ mọc lúp xúp thành bụi ở các nơi trống. ở các đám trống rộng trong rừng có tái sinh nhiều của các loài cây ưa sáng như: Hu đay, Ba bét, Ngoại tầng có Ráy xẻ, Dây leo cành với số lượng không nhiều, Lớp thực bì có Cọ, Dong đồng, Dương xỉ, Mua, Độ tàn che khoảng 0,5 - 0,6.
- Ưu hợp Trường sâng, Chò nâu, Re bầu, Lọng bàng, Thừng mực, Kháo vàng, Hồng rừng, Kháo, Rừng phục hồi trung bình sau khai thác chọn, thời gian phục hồi tương đối lâu nên cấu trúc rừng hình thành tương đối rõ.
- Ưu hợp Nhọ nồi - Máu chó - Chẹo - Vỏ mản sau khai thác kiệt: Rừng đã qua khai thác quá mức, chỉ còn lác đác một số cây gỗ to, có giá trị như Quéo, Trám, Sâng, Táu mặt quỷ, Sồi chanh. Còn lại tầng dưới là các cây Lọng bàng, Vạng, Ngát, Bứa, Nhọ nồi, Máu chó, Chẹo, Vỏ mản. Ngoài ra còn có rất nhiều Giang, Trữ lượng gỗ khoảng 80m3/ ha.
- Ưu hợp Hu đay - Ba bét - Ba soi sau nương rẫy: Rừng non,phục hồi sau nương rẫy, thời gian phục hồi khoảng 5 năm với ưu thế là Ba bét, Ba soi, Mắn đỉa. Thỉnh thoảng có một vài cây Vạng trứng, Sồi chanh còn lại do khi phát nương được để lại với chiều cao khoảng 20 m. Tầng cây gỗ chủ yếu là Mắn đỉa, Ba bét, Ba soi, Bướm bướm, Trám, Xoan nhừ, Đáng.
- Ưu hợp Sâng - Phay: Phân bố ở độ cao khoảng 400m ở chân các dãy núi cao. Đây là rừng đã qua tác động nhiều nhưng đã có thời gian phục hồi tương đối dài với ưu thế là các loài Sâng và Phay, ngoài ra còn có Chò vảy, Gội, Trám, v,v,... Độ tàn che khoảng 0,8, trữ lượng gỗ 180 – 200m3/ ha.
- Ưu hợp Táu - Vạng - Kháo - De: Rừng phục hồi trung bình sau khai thác chọn có 3 tầng cây gỗ với ưu thế là Táu, Kháo và De.
Kiểu phụ thứ sinh nhân tác trên đất thoái hoá
- Mua trên đất bỏ hoang: Do đất hoang sau nương rẫy và chăn thả, đất cứng và chặt, Mua mọc thuần loài, cao đến 5m, mỗi gốc có 3-4 thân. Ngoài ra gần khu vực này cũng có các đám cây Bướm bạc mọc sau nương rẫy.
- Ưu hợp Chuối rừng sau nương rẫy: Tại các nương rẫy bị bỏ hoang hoặc khu giáp ranh giữa nương rẫy và rừng có rất nhiều chuối rừng, Ven suối có Phay, Trám 3 cạnh và Sâng tái sinh nhưng số lượng ít, mật độ thấp.
- Ưu hợp Giang sau khai thác kiệt và nương rẫy: Khu vực này nằm ven các sườn núi, đất dốc, Rừng đã bị khai thác quá nhiều lần cùng với các tác động khác như chăn thả đã hình thành nên một ưu hợp Giang thân đặc, tiếng địa phương gọi là cây Rẹ, xen vài cây gỗ lớn như Chò nâu, Xoan nhừ, Gội trắng, Lá khét (có bạnh vè), Chò nâu, Cà lồ, Táu muối. Đôi chỗ có cỏ mọc dày, tái sinh của các loài cây gỗ hầu như không thấy do Giang mọc quá dầy và rậm.
- Ưu hợp Sim + Sầm sì + Mua + Chặc chìu, sau khai thác, nương rẫy và chăn thả: Ưu hợp này cũng được hình thành sau khai thác và chăn thả, cùng với các cây gỗ nhỏ là các loài cỏ, dương xỉ. Bao gồm Cỏ lào, Câu đắng, Cà dại, Núc nác, Dung, Thẩu tấu, Mua, Lá nến, Chè đuôi lươn, cây Mua chiếm ưu thế. Lớp cây bụi này cao tới 3m. Thảm tươi có Cỏ và Dương xỉ. Đất khu vực này rất chặt, lẫn đá lộ đầu.
- Ưu hợp Cỏ lào + Cỏ tranh sau nương rẫy và chăn thả: Sau các khu rẫy bỏ hoang, đất bị thoái hoá và lớp cây gỗ không thể tái sinh, hình thành nên các ưu hợp Cỏ lào và Cỏ tranh hoặc Cỏ tranh cao tới khoảng 1 mét, rất dày. Hầu như không có tái sinh cây thân gỗ. Đất chặt, nhiều đá lẫn và đá lộ đầu.
- Ưu hợp Dương xỉ + Mua + Cỏ lạc và Cỏ Cứt lợn: Quần hợp này hình thành trên các nương rẫy bỏ hoang nơi bằng phẳng hoặc hơi dốc. Khác với các ưu hợp khác trên đất thoái hoá, ở đây có các cây gỗ tái sinh như Ngái, Trám, Dung nhưng rải rác, ven suối có Côm trâu. Điều này có lẽ mức độ thoái hoá đất ở đây không lớn như ở các khu vực khác do mức độ xói mòn thấp hơn.
Kiểu phụ rừng gây trồng nhân tạo:Kiểu phụ này thông thường phân bố ở độ cao dưới 500m.
- Rừng trồng quế: Quế được trồng rất nhiều với mật độ tương đối dày. Ngoài Quế ra, hầu như không còn kiểu rừng phụ nhân tạo nào đáng kể.
Kiểu rừng kín thường xanh hỗn hợp cây lá rộng - lá kim ẩm á nhiệt đới
Kiểu rừng này phân bố ở đai độ cao trên 700m, xuất hiện các loài chủ yếu thuộc các họ Lauraceae, Fagaceae, Theaceae, Magnoliaceae, đó là những loài lá cứng thường xanh. Đai độ cao này có hơi nước bão hoà, mây mù xuất hiện nhiều, do đó còn gọi là vành đai mây, Rêu và Địa y rất phát triển, mọc trên các cành cây và thân cây tạo cho rừng có dáng vẻ rất cổ kính trong không khí âm u và tĩnh mịch.
- Tầng trên là các loài ở họ Fagaceae, Lauraceae, Cupressaceae, Magnoliaceae, Theaceae, Kích thước cây trung bình cao 15 – 25 m, ở các thung lũng kích thước cây cao hơn, trên dông đất xương xẩu cây thấp bé (Đỗ quyên, Gai,...).
- Tầng cây bụi: Chủ yếu là các họ Rubiaceae, Theaceae, Myrtaceae, Euphorbiaceae, Apocynaceae, Đặc biệt có loài Dương xỉ thân gỗ (C. poldophylla) mọc xen kẽ hay thành đám tạo nên cảnh quan rất đẹp. Dưới tán cây gỗ còn xuất hiện Vầu đắng, Vóng (Indosasa sp.) ở độ cao dưới 1100m, Sặt gai (Arundinaria sp.) ở độ cao >1100m, trên các đốt của sặt gai vòng rễ phát triển toả đều ra xung quanh như mi mắt, dáng cây nhỏ và thấp dưới 3m. Ngoài ra có thể gặp một số loài như Cau rừng (C. lakka), Song mật (C. platycanthus), Song voi (P. elongata).
- Tầng cỏ quyết có các loài trong các chi Asplenium, Plagiogyria, Pteris, v.v ở đai độ cao này, có thể gặp một số loài thuộc ngành Hạt trần trong các tầng cây gỗ như: Pơ mu (Fokienia hodginsii) với những cây cao tới 25 m, phân cành khá cao, đường kính từ 50-80 cm, thân thẳng tán vượt lên trên các loài cây khác, Pơ mu thường phân bố ở đỉnh đông, tái sinh tự nhiên ít. Ngoài ra còn một số loài khác như Kim giao (Nageia fleuryi), Thông tre lá ngắn (Podocarpus pilgeri), Thông tre lá dài (Podocarpus nerifolius), Dẻ tùng sọc trắng (Amentotaxus argotacnia), Thông nàng (Podocarpus imbricartus) thường mọc hỗn giao với các loài cây lá rộng khác. Đây là những loài cây hạt trần quý hiếm có số lượng ít, cần phải có biện pháp quản lý bảo vệ thật chặt chẽ. Ở độ cao trên 700m còn hay gặp loài cây rụng lá vào mùa đông như thích lá xẻ (A. willson), Thích lá thuôn (A. obloigifolia). Trên các đỉnh núi thường gặp các loài họ Ericaceae (Đỗ quyên), một số loài họ Araliaceae, Apocynaceae, Lauraceae... Đây thường là những cây thấp, phân nhiều cành nhánh, có khả năng chịu được khí hậu khắc nghiệt như lạnh và gió.
- Ưu hợp Táu - Chẹo - Gáo: Rừng giàu nhiều cây gỗ lớn, hầu như không có sự tác động của con người. Xuất hiện Thích lá xẻ (họ Thích) vốn là cây vùng á nhiệt đới. Cấu trúc tầng tương đối điển hình với 5 tầng cây. Ven suối ẩm có rất nhiều Thu hải đường lá lệch, Thu hải đường lá xẻ, Giang mọc kín từng đám ở ven suối và sườn dốc. Nơi địa hình phẳng hoặc hơi dốc có rất nhiều Cọ mọc thành đám lúp xúp.
- Quần hợp các loài cây gỗ vùng núi cao: Tại vành đai á nhiệt đới núi cao, rừng giàu, nhiều cây gỗ lớn, ít bị tác động, xuất hiện Kim giao, Thích lá thuôn, Pơmu,... Rừng thường có 2 tầng. Tầng cây cao có Pơ mu, Dẻ (lá đỏ), Giổi lông, Kháo, Vàng tâm, Giổi đắng, Chẹo. Tầng dưới có Bứa, Kim giao, Hoè (cao 10m), Cau rừng, Trứng gà 3 gân, Nhãn rừng, Mỡ, Hồi núi, Đỗ quyên (3 loài), Mắc niễng, Sồi tán, Chè hoa đỏ, Côm, Hồng rừng. Tái sinh chủ yếu là Trứng gà 3 gân, Dẻ tùng sọc trắng, Răng cá, Pơ mu, Đỗ quyên, Mỡ, Dẻ, Cây bụi nói chung ít, có Găng, Mãi táp lá nhỏ, Thảm cỏ có Dương xỉ. Thực vật ngoại tầng chủ yếu là Hèo (một loại song) có loài Song Voi đường kính tới 15cm, Tầm gửi nến (gọi là cây Béo), Lan tràng hạt, Lan hạch, ở đỉnh cao có nhiều Trúc đũa. Từ 1200m trở lên có nhiều Rêu và Địa y mọc trên thân cây, lớp thảm mục phân huỷ ít, rất xốp.
Như vậy, với 2 kiểu rừng, 4 kiểu phụ và 20 ưu hợp, quần hợp và xã hợp thực vật, trong đó có rất nhiều cây gỗ quí hiếm mang tính đặc hữu khu vực, đặc hữu Việt Nam cũng như các loài cây có giá trị kinh tế cao, thảm thực vật rừng thuộc khu bảo tồn Nà Hẩu rất có giá trị, cần bảo tồn và phát triển. Động thái phát triển trong tương lai của các quần xã thực vật rất có triển vọng thể hiện qua tái sinh của các loài cây có giá trị cao cả về bảo tồn và kinh tế, Sự đa dạng của thảm thực vật trong khu vực nói lên giá trị cao trong bảo tồn và phát triển cho cả hiện tại và mai sau.
Đa dạng thực vật
Theo các báo cáo điều tra về hệ thực vật Nà Hẩu trước đây, cho thấy hệ thực vật trong khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có tính đa dạng khá cao về thành phần loài, về yếu tố địa lý, về dạng sống và về giá trị sử dụng.
Thành phần thực vật
Theo kết quả điều tra, hệ thực vật tại vùng lõi của khu bảo tồn hiện nay có 516 loài thuộc 332 chi và 126 họ thuộc 5 ngành là ngành Thông đất (Lycopodiophyta), ngành Cỏ tháp bút (Equisetophyta), ngành Dương xỉ (Polyopodiophyta), ngành Hạt trần (Gymnospermoc) và ngành Hạt kín (Angiospermac).
Tính đa dạng
- Đa dạng về thành phần loài: Trong số 126 họ thực vật đã điều tra, thống kê được 35 họ có nhiều loài. Trong đó họ nhiều nhất có 35 loài, đa số các họ có 6-7 loài.
Trong các họ trên, họ có số loài nhiều nhất là họ Ba mảnh vỏ có 21 loài, chiếm 4,07%. Tổng số loài của 10 họ có nhiều loài nhất là 154 loài, chiếm 29,84%.
- Đa dạng về dạng sống
+ Nhóm cây lớn và vừa có chồi trên đất (Mm): Nhóm này có 168 loài, chiếm 32,55 %. Đây là nhóm tập trung nhiều cây gỗ lớn và vừa, có giá trị kinh tế cao như: Pơ mu, Giổi, Chò chỉ, Táu mật, Sến mật . .
+ Nhóm cây có chồi trên đất (Mi): Nhóm này có 98 loài, chiếm 18,99 % tổng số loài. Họ có nhiều loài thuộc nhóm này như Euphorbiaceae, Myrsinaceae, Annonaceae. Nhóm này có nhiều loài cây cho gỗ nhỏ, củi.
+ Nhóm cây thấp có chồi trên đất (Na): Nhóm này có 75 loài, chiếm 14,53 % tổng số loài, có nhiều loài thuộc nhóm này như Rubiaceae, Acantuceae, Fabaceae, … Các loài này thường tạo thành lớp thảm dưới tán rừng.
+ Nhóm cây leo quấn có chồi trên đất (Lp): Nhóm này có 49 loài, chiếm 9,50% tổng số loài. Họ có nhiều loài thuộc nhóm này như Fabaceae, Rubiaceae, …
+ Nhóm cây chồi trên đất, sống bì sinh (Ep): Nhóm này có 8 loài, chiếm 1,55 %, điển hình như các loài trong họ Orchidaceae, Arceae, Asslepiadaceae… Đây là nhóm loài có dạng sống đặc trưng cho vùng nhiệt đới ẩm.
+ Nhóm cây chồi trên đất sống ký sinh và bán ký sinh (Pp): nhóm này có 3 loài, chiếm 0,58 %, điển hình như một số loài trong họ Loranthaceae, Viscaceae, Balimophoraceae, Luairtaceae.
+ Nhóm cây chồi trên thân thảo (PhH): Nhóm này có 36 loài, chiếm 6,97 % các họ có nhiều loài thuộc nhóm này là Asteraceae, Fabaceae, Euphorbiaceae, Acanthaceae.
+ Nhóm cây chồi nửa ẩn (H): Nhóm này có 38 loài, chiếm 7,36 %, điển hình như một số loài trong họ: Pteridaceae, Adiantaceae, Schizeaceae . . .
+ Nhóm cây chồi 1 năm (Th): Nhóm này có 41 loài, chiếm 7,9 %, các loài trong nhóm này tập trung ở các họ Poaceae, Asterraceae, Cypenraceae.
Từ kết quả trên, chúng ta có thể đi đến nhận xét sau đây:
Trong các nhóm trên nhóm cây lớn cây lớn và vừa có chồi trên đất (Mm) có số loài nhiều nhất chiếm 32,55% tổng số loài. Đây cũng chính là nhóm cây có khả năng cung cấp gỗ dùng trong xây dựng, dân sinh và gỗ củi. Tiếp theo là nhóm cây có chồi trên đất chiếm 18,99% tổng số loài. Thấp nhất là nhóm Pp chỉ có 3 loài chiếm 0,58 %.
- Đa dạng về giá trị sử dụng Căn cứ vào mục đích sử dụng có thể chia các loài cây vào các nhóm sử dụng sau đây:
- Nhóm cây cho gỗ lớn, vừa dùng trong xây dựng. %
- Nhóm cây dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ như Pơmu (Fohienia hodginsii), Mua (Diaspyros mun), Thừng mực (Wrightia annamensis), Kim giao (Nageia fleuryi), Vàng tâm (Manglietia fordiana), Song mật (Calamus platyacanthus), Song bột (Calamus poilanei), Mây (Calamus tetradactylus
- Nhóm cây làm dược liệu: một số loại điển hình như loài Cốt toái bổ (Drynaria fortunei), Kha tử (Termilarra chebula), ổ kiến (Hydnophyllum formicarum), Đỗ trọng nam (Evonymus chinensis), Kim tuyến (Arvectochilus setaceus), Mã tiền (Strychno ignatii) …
- Nhóm cây cho nhựa, sáp, tinh dầu thơm, chất nhuộm: Tại KBT có nhiều loài cây cho nhựa quý và có giá trị kinh tế cao.
- Nhóm cung cấp lương thực, thực phẩm, quả ăn có nhiều loài, điển hình như Củ mài (Dioscorea persimilis), chuối (Musa sp), Măng (Cephalostachyum chevalieri), dây gắm (Gnetum morotanum), Bứa núi (Garcinia montanum), Rau má (Centella asiatica), Rau tàu bay (Gynara crepidoides), quả Ươi (Scanphium lychophorum), chiếm 11,05%.
c. Các loài bị đe doạ và loài đặc hữu, quý hiếm
Trong danh lục thực vật ở khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có 27 loài thuộc diện quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam. Thống kê các loài quý hiếm theo cấp bị đe doạ như sau:
Khu hệ động vật.
Theo kết quả khảo sát đã ghi nhận được 129 loài thuộc 54 họ, 17 bộ của 4 lớp động vật có xương sống là Thú, Chim, Bò sát và ếch nhái.
- Tính đa dạng phân loại cao, bình quân 1 bộ có 3,18 họ, 1 họ có 2,39 loài.
- Có nhiều nguồn gen quí hiếm có giá trị bảo tồn cao không chỉ trong nước mà cả trên phạm vi quốc tế. Trong đó, có 28 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam 2007 và 30 loài trong nghị định 32 của Chính phủ.
+ Thú có: Báo hoa mai, Báo lửa, Gấu ngựa, Cu li lớn, Cu li nhỏ, Khỉ vàng, Khỉ mặt đỏ,...
+Chim có: Diều hoa miến điện, Gà lôi trắng, Gà so ngực gụ, Cú lợn lưng nâu, Hồng hoàng, Niệc cổ hung và nhiều loài trong họ Khướu (Bộ Sẻ).
+Bò sát có: Tắc kè, Rồng đất, Trăn mốc, Hổ mang chúa, Hổ mang thường, Rắn cạp nong, Rắn cạp nia, Rùa to đầu,...
+Ếch nhái có: Cóc rừng, ếch xanh,...
Tính đa dạng thành phần động vật ở Nà Hẩu rất cao, không thua kém các khu bảo tồn thiên nhiên và các vườn quốc gia khác về số lượng loài và họ, bộ.
Rừng và động vật rừng bị tác động mạnh trong vòng 20 năm trở lại đây, kể từ khi có cuộc chuyển dân định cư sau năm 1979 của đồng bào H’Mông thành lập xã Nà Hẩu, Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có dự án đầu tư kịp thời.
Giá trị của khu hệ động vật KBTTN Nà Hẩu
Đặc điểm giá trị của các loài được tổng hợp dựa vào các đặc điểm sau: tình hình sử dụng các loài ở địa phương vào các mục đích khác nhau và ở các địa phương khác nhau; Dựa vào nguồn thức ăn của các loài trong quan hệ với hoạt động sản xuất lâm nông nghiệp và dựa vào các tài liệu nghiên cứu về giá trị của các loài động vật hoang dã. Giá trị của các loài động vật ở Nà Hẩu được chia thành 8 nhóm: Nguồn gen quí hiếm (G); Bảo vệ rừng (B); Dược liệu (D); Thực phẩm (T); Da lông (Da); Xuất khẩu/Thương mại (X); Làm cảnh (C); Có hại (H). Kết quả được ghi ở bảng 10 sau đây:
- Nhóm có nhiều loài nhất là bảo vệ rừng, 97 loài chiếm 45,3% tổng số loài đã biết. Đây quả thực là một lực lượng quí góp sức giữ gìn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho con người.
- Nhóm có giá trị bảo tồn có tới 39 loài (18,2% tổng số loài).Nhóm cho thực phẩm cũng rất nhiều, 97 loài. Nếu bảo vệ tốt nguồn tài nguyên này thì đây là nguồn thực phẩm tại chỗ có giá trị đối với cộng đồng.
- Nhóm cung cấp dược liệu có 41 loài. Tuy số loài không nhiều nhưng cũng là nguồn thuốc tự nhiên quí giá bên cạnh nguồn cây thuốc.
- Hiện trạng tài nguyên động vật KBTTN Nà Hẩu: Cũng như tình trạng chung của các VQG và các khu BTTN khác trong cả nước, tài nguyên động vật khu vực rất đa dạng về thành phần loài, song mật độ – trữ lượng hầu hết của các loài đều rất thấp, đặc biệt là các loài có kích thước lớn, các loài quí hiếm.
Nguyễn Đức Toàn – Chi cục Kiểm lâm Yên Bái