• Loading...
 
Yên Bái đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng
Ngày xuất bản: 20/03/2022 8:22:00 SA
3397: view

 

Đã từ lâu, Rừng và công tác Quản lý bảo vệ và phát triển rừng luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Nó góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Ngày nay rừng và công tác quản lý bảo vệ rừng còn mang lại lợi ích trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Yên Bái là tỉnh miền núi nằm giữa Đông Bắc và Tây Bắc, có tổng diện tích tự nhiên 6.887,67 km2. Diện tích đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp đến năm 2030 là 483.684 ha, chiếm 70% diện tích tự nhiên. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong và ngoài quy hoạch ba loại rừng tỉnh Yên Bái đến hết năm 2021 lớn trên 522 nghìn ha, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông nhiều nơi đi lại chưa thuận tiện, khí hậu thời tiết phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng, PCCCR.

Mật độ dân cư phân bố không đồng đều, nhận thức của người dân còn những mặt hạn chế, vẫn còn tình trạng canh tác nương rẫy không tập trung và chưa được quy hoạch chặt chẽ. Đa số người dân vùng cao chủ yếu sản xuất trên nương là chính, ruộng nước ít dẫn đến tình trạng phá rừng làm nương luôn tiềm ẩn nên công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện nay lực lượng kiểm lâm đã được đào tạo bài bản, nghiệp vụ chuyên môn tốt đã đáp ứng được công việc. Tuy nhiên việc kiểm tra, phát hiện các vụ vi phạm còn chưa kịp thời. Điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR còn thiếu.

Nhận thức về vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR của một số cấp ủy chính quyền cơ sở chưa cao. Sự hiểu biết về tầm quan trọng của rừng đối với đời sống con người của một bộ phận nhân dân còn nhiều hạn chế.

Nhằm khắc phục những khó khăn đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng.

Một số biện pháp đã được Chi cục Kiểm lâm Yên Bái thực hiện có hiệu quả:

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền Luật lâm nghiệp tới cộng đồng dân cư các thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Thông qua các văn bản chỉ đạo các cấp trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, PCCCR; Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố đã tổ chức các buổi tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, tập trung tuyên truyền trước vụ cháyvới nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu và sát với thực tế của từng địa phương. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm còn thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức như Tờ rời tuyên truyền pháp luật, pano, áp phich, các phóng sự truyền hình… Thông qua tuyên truyền mưa dầm thấm lâu, dần dần người dân đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa đã cơ bản nắm được nội dung cốt lõi của Luật Lâm nghiệp và cố gắng chấp hành theo đúng luật định.

          Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm với vai trò là giúp việc cho Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm trực thuộc phối hợp với UBND các xã duy trì hoạt động của 1.479 tổ xung kích chữa cháy rừng gồm trên 8.000 người ở các xã, phường và các chủ rừng. Lấy lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên làm nòng cốt.

Tăng cường, tập trung cán bộ ở những xã trọng điểm có nguy cơ cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm sản. Chi cục Kiểm lâm tăng cường điều động công chức tại các Hạt kiểm lâm không nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng tăng cường cho các xã huyện trọng điểm cháy rừng trong mùa khô hanh. Đồng thời đối với các xã trọng điểm phá rừng, khai thác lâm sản, Hạt kiểm lâm bố trí 2 đến 3 kiểm lâm địa bàn để nhằm làm tốt hơn cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Nhờ vậy trong một số năm gần đây số vụ phá rừng, cháy rừng trên địa bàn tỉnh đã giảm.

Nâng cao trình độ của Kiểm lâm địa bàn nhằm tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp theo đúng quy định pháp luật. Từ đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy tốt vai trò trách nhiệm quản lý về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định, bước đầu đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân trong việc quản lý bảo vệ rừng, PCCCR.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Thời gian tới, Chi cục tiếp tục nâng cao vai trò quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, cùng với Hạt Kiểm lâm rà soát và bố trí sắp xếp Kiểm lâm phụ trách địa bàn phù hợp với năng lực, điều kiện để đáp ứng được nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, UBND các cấp trong công tác bảo vệ phát triển rừng. Đồng thời Chi cục cũng xây dựng kế hoạch tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ công chức còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác quản lý bảo vệ rừng trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về Luật Lâm nghiệp và bảo vệ rừng, PCCCR trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học để mọi người nhận thức sâu sắc việc bảo vệ rừng, PCCCR là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội.

Thứ ba: Tiếp tục duy trì và xây dựng các 1.479 tổ xung kích chữa cháy rừng nâng cao cả về chất và lượng; thường xuyên tập huấn về kỹ năng chữa cháy rừng cho tổ tuần tra bảo vệ rừng kịp thời ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.

Thứ tư: Thực hiện tốt việc khai thác có hiệu quả các phần mềm như: Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, Cảnh báo mất rừng để kịp thời phát hiện

Thứ năm: Phân vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy, tổ chức lực lượng thường trực, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, tăng cường kiểm tra hướng dẫn nhân dân trong việc phát, đốt nương rẫy; sẵn sàng lực lượng và phương tiện tham gia chữa cháy, để tổ chức chữa cháy kịp thời, khẩn trương và hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ khi có cháy rừng và cháy thảm cỏ xảy ra; làm tốt công tác kiểm tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật lâm nghiệp.

Thứ sáu: Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn hỗ trợ, phát huy nội lực trong nhân dân nhằm phát triển bền vững vốn rừng hiện có, đồng thời đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Nguyễn Thị Kim Phượng – Phòng Quản lý và Phát triển rừng

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập