• Loading...
 

Những năm gần đây cây Quế là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở một số địa phương trong tỉnh, dẫn đến hiện tượng phát triển nóng về diện tích quế. Là lãnh đạo, quản lý trong ngành lâm nghiệp, anh chị có khuyến cáo gì với người dân về vấn đề trên?

Câu hỏi:

  •         Những năm gần đây cây Quế là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở một số địa phương trong tỉnh, dẫn đến hiện tượng phát triển nóng về diện tích quế. Là lãnh đạo, quản lý trong ngành lâm nghiệp, anh chị có khuyến cáo gì với người dân về vấn đề trên?

  • Câu trả lời:
       

    Trong những năm gần đây, cây Quế được xác định là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp tại Yên Bái. Tính đến hết năm 2021, diện tích Quế trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phát triển với quy mô trên 80 nghìn ha (chiếm khoảng 40% diện tích rừng trồng toàn tỉnh), trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên với trên 45 nghìn ha (chiếm trên 56% diện tích Quế toàn tỉnh). Quế là cây đa tác dụng, sinh trưởng, phát triển tốt tại nhiều địa phương trong tỉnh như Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, không chỉ góp phần tăng độ che phủ rừng, mà cây Quế còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ Quế. Ngoài thu hoạch quế vỏ vào vụ tháng 3, tháng 8 với giá khoảng hơn 40.000 đồng/kg; thân quế bóc vỏ đi có "vanh" từ 35 cm trở lên bán được giá 2,0 triệu đồng/m3 để làm nguyên liệu cho các xưởng xẻ, còn loại nhỏ bán làm cây chống trong xây dựng với giá từ 50 đến 55 nghìn đồng/cây. Ngoài ra, cành lá quế tận thu khi tỉa thưa được bán làm nguyên liệu cho các nhà máy chưng cất tinh dầu với giá từ 2.500 – 3.000 đồng/kg. Như vậy, một cây quế từ vỏ, thân, cành, lá qua chế biến đều trở thành hàng hóa, một lợi thế ít cây lâm nghiệp nào có được.

    Chính vì hiệu quả kinh tế cây Quế mang lại tương đối cao dẫn tới hiện tượng phát triển nóng về cây Quế trên địa bàn tỉnh, người dân không chỉ trồng Quế với mật độ dày đặc (7.000-10.000 cây/ha), mà còn chuyển đổi những cây trồng lâm nghiệp khác như keo, bồ đề… sang trồng quế, thậm chí xâm lấn vào rừng tự nhiên để trồng quế. Việc phát triển ồ ạt gây ảnh hưởng lớn tới hệ sinh thái rừng tự nhiên, phá vỡ quy hoạch phát triển vùng gỗ nguyên liệu và cây trồng khác, các chính sách phát triển lâm nghiệp đối với các cây trồng khác khó triển khai thực hiện do thiếu quỹ đất. Ngoài ra, việc phát triển với mật độ cao, quy mô lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sâu bệnh hại, cháy rừng… nếu không có biện pháp phòng ngừa phù hợp.

    Do đó, đứng trước thực trạng cây quế đang phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch và định hướng như hiện nay, các cấp lãnh đạo, quản lý trong ngành lâm nghiệp cần có khuyến cáo tới người dân trong việc định hướng phát triển cây Quế trong thời gian tới, thay vì phát triển về quy mô, diện tích thì định hướng phát triển về năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị rừng trồng. Cụ thể:

    - Khuyến cáo phát triển quế trên những diện tích hiện có với mật độ phù hợp từ 5.000-7.000 cây/ha, đảm bảo đúng mục tiêu, đúng quy hoạch và phương châm “Đất nào cây ấy”. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm lấn, trồng xen quế trong rừng tự nhiên.

    - Các diện tích trồng quế cần xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, trong đó tập trung vào việc xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại, khai thác sử dụng rừng một cách hợp lý, hiệu quả.

    - Tập trung phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, nhằm đưa sản phẩm quế Yên Bái thâm nhập vào các thị trường phát triển, có thu nhập cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

    - Xây dựng chuỗi giá trị quế từ sản xuất, khai thác đến chế biến và tiêu thu sản phẩm, thông qua việc: mở rộng và phát huy hiệu quả các dự án liên kết theo chuỗi giá trị đã có, xây dựng các dự án liên kết theo chuỗi giá trị mới; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến, quy trình quản lý để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.


     Các câu hỏi khác
  •        Thời gian qua, cây măng tre Bát độ được xem là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân nhiều xã vùng cao của tỉnh Yên Bái. Xin ông/bà cho biết, những giải pháp mà chính quyền địa phương các cấp tại Yên Bái đã triển khai để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm măng tre Bát độ?
  •        Trong thời gian qua, ngành Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực với tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%. Tuy nhiên việc mất rừng do chuyển mục đích sử dụng đất và do xâm lấn rừng vẫn diễn ra gây ảnh hưởng và sức ép với môi trường. Riêng trong năm 2020, diện tích mất rừng trên toàn tỉnh do xâm lấn là 28,54 ha. Huyện Văn Yên là 24,18 ha. Vậy nguyên nhân diện tích rừng bị xâm lấn là do đâu? Về vấn đề đó, Sở xử lý như thế nào? Trong thời gian tới, Sở có kế hoạch, biện pháp gì để hạn chế tình trạng trên.
  •        Tiềm năng về rừng là rất lớn, giá trị kinh tế rừng mang lại đã giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu, vậy thời gian tới ngành Kiểm lâm sẽ có những giải pháp gì để phát triển và bảo vệ rừng tận gốc
  •        Tỉnh Yên Bái đã và đang quy hoạch phát triển rừng tập trung, theo hướng bền vững, đặc biệt là chú trọng phát triển rừng đạt chuẩn FSC, vậy để đạt được tiêu chí này, người trồng rừng phải có đủ những điều kiện gì và tiêu chí này sẽ mang lại những thuận lợi gì cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng
  •        Ngành Kiểm lâm đã và đang gặp phải những khó khăn gì trong công tác bảo vệ rừng
  • ĐẶT CÂU HỎI


      






    Thư viện hình ảnh

          

    Thư viện video

    Lượt truy cập