• Loading...
 
Chính phủ quy định mới về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
Ngày xuất bản: 31/05/2019 2:54:00 CH
1794: view

          Nghị định quy định Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; chế độ quản lý, bảo vệ, trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nuôi động vật rừng thông thường; thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

          Nghị định quy định hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, chế biến, vận chuyển, buôn bán các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của loài đó trong tự nhiên.

          Theo đó, mọi hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được quản lý, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.

          Nghị định quy định tổ chức, cá nhân nuôi động vật rừng thông thường phải đảm bảo các điều kiện sau:

          Thứ nhất, đảm bảo nguồn gốc động vật rừng nuôi hợp pháp theo quy định pháp luật; đảm bảo an toàn cho con người;

          Thứ hai, thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, thú y;

          Thứ ba, thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi vật nuôi quy định theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

          Thứ tư, trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc, kể từ ngày đưa động vật rừng thông thường về cơ sở nuôi, tổ chức, cá nhân phải gửi thông báo cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có hoạt động sản xuất, xây dựng công trình, điều tra, thăm dò, nghiên cứu, tham quan, du lịch và các hoạt động khác trong các diện tích rừng có thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện các quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.

          Nghị định cũng quy định rõ việc xử lý trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe dọa tính mạng, tài sản của con người: Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa xâm hại nghiêm trọng tài sản hoặc tính mạng con người, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến động vật, đồng thời thông tin ngay với cơ quan Kiểm lâm hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất; trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa tấn công trực tiếp đến tính mạng con người ở ngoài các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định và chỉ đạo việc bẫy, bắt, bắn cá thể động vật đó.

          Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định về giấy phép CITES (thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội) với các nội dung như:

Chỉ được cấp một bản duy nhất và phải được ghi đầy đủ thông tin, dán tem CITES hoặc mã vạch, ký hiệu, đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;

          Chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm phải được ghi đầy đủ thông tin, có chữ ký, họ và tên của chủ cơ sở nuôi trồng;

          Giấy phép, chứng chỉ xuất khẩu và tái xuất khẩu có thời hạn hiệu lực tối đa là 6 tháng, đối với Giấy phép nhập khẩu, thời hạn này là 12 tháng…

          Chứng chỉ CITES mẫu vật lưu niệm do cơ sở chế biến, kinh doanh trực tiếp cấp…

          Nghị định có hiệu lực từ ngày 10 tháng 03 năm 2019.

 

ĐTTM - Chi cục kiểm lâm Yên Bái

 

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập