Câu 1: Thưa ông, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ cháy rừng làm thiệt hại khoảng 7,0 ha rừng. Vậy ông có đánh giá như thế nào về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Trả lời:
Có thể nói rằng, công tác Quản lí bảo vệ rừng, Phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo kịp thời cả về chủ trương, biện pháp, chính sách và kinh phí hoạt động. Kết quả qua 5 năm (2012-2017) diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh đã tăng thêm trên 42.000 ha, nâng độ che phủ của tỉnh qua 5 năm tăng trên 4,5%. Có được kết quả trên là do sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành và chính quyền các địa phương, trong đó lực lượng kiểm lâm là nòng cốt trong việc xây dựng phương án qui hoạch, kế hoạch quản lí bảo vệ vốn rừng. Cụ thể đó là:
- Sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và chính quyền địa phương các cấp trong công tác Quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bước đầu đã thực hiện tốt xã hội hoá công tác Quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Các chương trình dự án triển khai thực hiện đều có hiệu quả. Kinh phí khoán bảo vệ rừng được cấp kịp thời để chi trả cho người dân đã có tác dụng động viên nhân dân yên tâm bảo vệ rừng. Mặt khác cán bộ Kiểm lâm địa bàn được tăng cường cho các xã vùng sâu, vùng xa đã giúp cho chính quyền xã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Quyết định 07/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lí nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.
- Các Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng cấp huyện (nay là Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020) đã hoạt động có hiệu quả, đã củng cố các Ban chỉ đạo từ huyện xuống các xã và có qui chế hoạt động của Ban chỉ đạo, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, tích cực kiểm tra, đôn đốc các địa bàn trọng điểm.
- Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị trong lực lượng là lòng cốt trong công tác QLBVR, PCCCR, Quản lý lâm sản đã xây dựng được khối đoàn kết thống nhất về quan điểm trong lĩnh vực QLBVR được Đảng và Nhà nước giao.
- Giá trị kinh tế từ rừng đã được khảng định, đó là động lực chủ yếu tạo sự gắn kết giữa người dân với rừng. Từ đó họ có ý thức bảo vệ và phát triển vốn rừng tại địa phương.
Tuy nhiên công tác Quản lý bảo vệ rừng và Phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại đó là:
- Chính quyền địa phương ở một số xã chưa thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp: Còn ít quan tâm, mang tính thời điểm không thường xuyên, một số chính quyền điạ phương chưa thực sự vào cuộc.
- Hàng năm, tỉnh, huyện đều ban hành các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo về công tác QLBVR, PCCCR nhưng nhận thức của một bộ phận nhân dân thực hiện chưa nghiêm túc. Công tác tuyên truyền cho người dân vùng sâu, vùng xa hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng cháy còn gặp khó khăn và hạn chế.
- Đời sống của đồng bào dân tộc vùng cao gắn với sản xuất lâm nghiệp còn khó khăn do chính sách đầu tư về khoán bảo vệ rừng của tỉnh hiện nay còn rất thấp. Một số chủ rừng lợi dụng việc giao khoán lén lút khai thác gỗ để bán kiếm sống. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy, du canh xảy ra ở những xã có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống do thiếu đất sản xuất, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
- Một số chủ rừng còn chủ quan và thiếu trách nhiệm trong việc PCCCR trên diện tích rừng của mình được giao quản lý.
- Lực lượng Kiểm lâm hiện tại còn mỏng, thiếu so với quy định tại Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm.
- Những xã có diện tích rừng lớn chưa có cán bộ lâm nghiệp chuyên trách để giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác Quản lí bảo vệ và phát triển rừng. Kinh phí, chế độ cho những người tham gia, phối hợp thực hiện công tác Quản lí bảo vệ và phát triển rừng còn rất hạn chế.
Câu 2: Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, hiện nay có gặp khó khăn gì không thưa ông?
Trả lời:
1. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy rừng trong thời gian qua:
Như các bạn đã biết trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ cháy rừng (01 vụ xẩy ra tại xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu và 01 vụ tại xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn) theo nhận định nguyên nhân chủ yếu đó là:
Thứ nhất: Từ giữa tháng 02 đến đầu tháng 3 năm 2018 tại các huyện phía tây của tỉnh, thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với gió Lào khô nóng thổi, vì vậy dự báo cấp cháy rừng tại các địa phương luôn luôn ở cấp cực kỳ nguy hiểm dễ gây cháy rừng ở bất cứ lúc nào.
Thứ hai: Trong thời gian qua, đặc biệt tại các huyện vùng cao bị ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại đã làm cho thảm thực bì tại đây bị chết khô, chỉ cần tác động của nguồn nhiệt có thể dễ gây cháy rừng lớn và lan tràn nhanh.
Thứ ba: Do ý thức của một bộ phận người dân địa phương bất cẩn trong việc sử dụng lửa tại các khu rừng và việc đốt nương rẫy không đúng quy định đã gây cháy lan vào rừng.
2. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, hiện nay có gặp những khó khăn đó là
Thứ nhất: Chính quyền địa phương ở một số xã chưa thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp: Còn mang tính thời điểm, chưa thường xuyên, một số chính quyền điạ phương chưa thực sự vào cuộc.
Thứ hai: Hàng năm, tỉnh, huyện đều ban hành các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo về công tác QLBVR, PCCCR nhưng nhận thức của một bộ phận nhân dân thực hiện chưa nghiêm túc. Công tác tuyên truyền cho người dân vùng sâu, vùng xa hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng cháy còn gặp khó khăn và hạn chế.
Thứ ba: Đời sống của đồng bào dân tộc vùng cao gắn với sản xuất lâm nghiệp còn khó khăn do chính sách đầu tư về khoán bảo vệ rừng của tỉnh hiện nay còn rất thấp. Người dân địa phương lợi dụng việc giao khoán lén lút khai thác gỗ để bán kiếm sống. Vẫn còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy, du canh xảy ra ở những xã có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống do thiếu đất sản xuất, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư: Một số chủ rừng còn chủ quan và thiếu trách nhiệm trong việc PCCCR trên diện tích rừng của mình được giao quản lý.
Thứ năm: Lực lượng Kiểm lâm hiện tại còn mỏng, thiếu so với quy định tại Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm.
Thứ sáu: Những xã có diện tích rừng lớn chưa có cán bộ lâm nghiệp chuyên trách để giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác Quản lí bảo vệ và phát triển rừng. Kinh phí, chế độ cho những người tham gia, phối hợp thực hiện công tác Quản lí bảo vệ và phát triển rừng còn rất hạn chế.
Câu 3: Để hạn chế các vụ cháy rừng trong mùa khô hanh năm nay, ngành đã và đang chú trọng triển khai các giải pháp trọng tâm như thế nào?
Trả lời:
1. Chỉ đạo Hạt kiểm lâm các huyện tăng cường cán bộ kiểm lâm địa bàn bám sát địa bàn được giao, tham mưu và phối hợp với UBND xã thực hiện tốt Nghị định số 09/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 22/11/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hanh 2017- 2018.
2. Tăng cường sự phối hợp chỉ đạo của các ngành chức năng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các chủ rừng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Xây dựng và thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở, xác định các địa bàn vùng trọng điểm cháy rừng để có các phương án phối hợp khi có cháy rừng xẩy ra.
3. Tăng cường kiểm lâm địa bàn cho các huyện vùng cao để đưa cán bộ, công chức kiểm lâm về địa bàn có diện tích rừng tự nhiên lớn. Tổ chức ký cam kết trong thôn bản về công tác QLBVR, PCCCR, hướng dẫn nhân dân trong việc đốt nương làm rẫy, đặc biệt là đốt nương có kiểm soát và thực hiện tốt công tác PCCCR ở địa phương.
4. Tiếp tục chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tham mưu cho UBND các huyện đẩy mạnh thực hiện giao khoán bảo vệ rừng với các hộ, nhóm hộ nhận khoán theo kế hoạch. Tham mưu thực hiện quy hoạch, quản lý sản xuất nương rẫy, xây dựng dự án hỗ trợ nhân dân trồng rừng trên diện tích nương rẫy ổn định lâu dài. Xử lí nghiêm minh những đối tượng cố tình lợi dụng phá rừng để lấn chiếm đất sản xuất.
5. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều hình thức, tập huấn kỹ thuật PCCCR bằng tiếng Mông để nâng cao nhận thức, giác ngộ cho nhân dân vùng cao thấy được tác hại của việc phá rừng, cháy rừng. Duy trì thường trực của Ban chỉ huy các cấp, Dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên toàn tỉnh; phát hiện kịp thời khi có cháy rừng xảy ra và khẩn trương cứu chữa khi rừng bị cháy và thực hiện chỉ huy chữa cháy với phương châm 4 tại chỗ.